Khám phá kỳ quan nhân tạo đường hầm đất sét ở Đà Lạt

Trải dài hơn 1.200m giữa rừng thông xanh biếc, đường hầm đất sét là một kỳ quan nhân tạo mới ở Đà Lạt (Lâm Đồng), trở thành điểm đến thu hút rất nhiều tour của các công ty du lịch lữ hành.

Trải dài hơn 1.200m giữa rừng thông xanh biếc, đường hầm đất sét là một kỳ quan nhân tạo mới ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Dù chỉ mới đi vào hoạt động từ năm 2012 nhưng nơi đây đã trở thành điểm đến thu hút rất nhiều tour của các công ty du lịch lữ hành.

Đường hầm đất sét có rất nhiều tên gọi khác nhau như đường hầm điêu khắc, đường hầm đất đỏ, làng đất sét... nhưng dù với bất cứ tên gọi nào thì nơi đây cũng kích thích sự tò mò và trí tưởng tượng của du khách để tìm đến khám phá.

Chủ nhân của đường hầm đất sét là anh Trịnh Bá Dũng, người có niềm đam mê lớn với những công trình kiến trúc cổ ở Đà Lạt.

Sau bốn năm nghiên cứu, anh Trịnh Bá Dũng đã tìm ra công thức biến đất sét bazan thành một chất liệu mới có màu sắc độc đáo và đặc biệt thân thiện với môi trường. Đường hầm đất sét chính là sự đột phá đỉnh cao về chất liệu khi xây dựng nên nó là một hỗn hợp có độ bền tương đương với bêtông.

Theo anh Trịnh Bá Dũng, công trình điêu khắc nghệ thuật này được tạo nên dựa vào hai ý tưởng là tái hiện lại một Đà Lạt từ thuở ban sơ và một Đà Lạt là thành phố du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng tại Việt Nam.

Khung cảnh sinh hoạt thuở hồng hoang của loài vượn người tạo nên từ chất liệu đất sét.
Hàng loạt các công trình kiến trúc, văn hóa độc đáo của Đà Lạt như nhà thờ Con Gà...
...Khung cảnh buôn làng dân tộc bản địa ở Đà Lạt...
Đà Lạt của thơ và nhạc với hình ảnh cây đàn guitar và những nốt nhạc.
Họa sỹ tìm cảm hứng với Đà Lạt.
...và xe lửa cổ, nhà ga Đà Lạt.
hay xe ngựa, một đặc trưng du lịch ở Đà Lạt được điêu khắc trên các mảng tường của đường hầm đất sét.
Khách sạn Palace.
Bác sỹ Yersin, người tìm ra Đà Lạt.
Ngôi nhà làm bằng đất đỏ bazan xác lập hai kỷ lục Việt Nam.
Những ngôi biệt thự cổ tạo dựng trong Đường hầm đất sét nằm ven rừng thông Đà Lạt.
Không gian độc đáo của Đường hầm đất sét.
Đường hầm đất sét có rất nhiều tên gọi khác nhau như: Đường hầm điêu khắc, đường hầm đất đỏ, làng đất sét...
Du khách bên cặp song mã tạo nên bằng đất sét.

Đường hầm đất sét bắt đầu là đầu con rồng, tượng trưng cho nòi giống Rồng Tiên của người Việt. Từ đó, du khách được khám phá tổng quan về Đà Lạt với chất liệu toàn bằng đất sét, đặc biệt là cảm nhận rõ nét về nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Đà Lạt.

Những công trình kiến trúc và văn hóa độc đáo như ga xe lửa, dinh Bảo Đại, Viện Pasteur, Đại học Đà Lạt, Khách sạn Palace, nhà thờ Con Gà, chùa Linh Sơn, hồ Xuân Hương, chợ Đà Lạt… rồi đến sân bay Liên Khương, hồ Tuyền Lâm, thung lũng Tình yêu... đều là những điểm du lịch nổi tiếng Đà Lạt được tái hiện công phu trên chất liệu đất sét.

Đường hầm đất sét được ghi nhận với hai kỷ lục của Sách Kỷ lục Việt Nam bởi một ngôi nhà độc đáo rộng khoảng 90m2. Đó là kỷ lục về ngôi nhà làm bằng đất đỏ bazan không nung có mái đắp nổi hình bản đồ Việt Nam đầu tiên có diện tích lớn nhất và ngôi nhà được thi công bằng đất đỏ có phong cách độc đáo nhất.

Anh Lê Anh Ngọc, du khách đến từ Bình Thuận chia sẻ: “Tôi đến Đà Lạt nhiều lần và tham quan nhiều điểm du lịch hấp dẫn nhưng đường hầm đất sét đã tạo cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị đặc biệt. Các công trình kiến trúc, cảnh quan Đà Lạt bằng đất sét như nổi bật giữa không gian thơ mộng của Đà Lạt…”./.

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục