Khám phá kho báu di sản thiên nhiên Vườn Quốc gia Bạch Mã

Với những giá trị về đa dạng sinh học, Vườn Quốc gia Bạch Mã là một trong hai Vườn Quốc gia của Việt Nam được các quan chức về môi trường của ASEAN đề cử là Vườn Di sản của ASEAN.
Khung cảnh hùng vĩ, hoang sơ của Vườn Quốc gia Bạch Mã. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Cách thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) khoảng 50km, Vườn Quốc gia Bạch Mã là địa chỉ không thể bỏ qua với du khách thích khám phá.

Vườn Quốc gia Bạch Mã đã được Chính phủ phê duyệt thành lập vào năm 1991, có diện tích 22.031ha và vùng đệm 21.300ha.

Toàn bộ Vườn Quốc gia Bạch Mã và vùng đệm nằm trên địa phận hành chính của 9 xã, 2 thị trấn thuộc huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Hòa Vang của thành phố Đà Nẵng.

Nằm ở phần cuối cùng của dãy Trường Sơn Bắc kéo dài từ biên giới Việt-Lào ra tận biển Đông, ở độ cao 1.450m so với mực nước biển, khu vực núi Bạch Mã có khí hậu trong lành, mát mẻ và được các chuyên gia nước ngoài đánh giá là một trong những vùng núi có khí hậu dễ chịu nhất ở Đông Dương.

Thảm thực vật ở đây khá phát triển, thuộc kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa cận nhiệt đới (á nhiệt đới) ở địa hình cao trên 1.000m và kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới trên địa hình dưới l.000m.

Trong 22.031ha diện tích tự nhiên, Vườn Quốc gia Bạch Mã có tới 16.900ha rừng nguyên sinh che phủ. Trong rừng có 1406 loài thực vật, trong đó có nhiều loại gỗ quý như: trò chỉ, kiền, giẻ hương, gõ, tùng... (nhiều cây đường kính 80-100cm) và trên 300 loài cây thuốc quý như ba gạc, bình vôi, lá khôi, cây 7 lá 1 hoa...

Vườn Quốc gia Bạch Mã hiện có khoảng 15 đàn Voọc chà vá chân nâu sinh sống. (Ảnh: Đỗ Trưởng/ TTXVN)

Hệ động vật ở Vườn Quốc gia Bạch Mã có tới 931 loài, bao gồm 83 loài thú, trong đó có nhiều loài quý hiếm như gấu, báo, hổ, sao la...; 333 loài chim, 31 loài bò sát, 21 loài ếch nhái, 39 loài cá, 218 loài bướm, 178 loài côn trùng cánh cứng ăn lá, 28 loài mối. Ðặc biệt, Bạch Mã là nơi cư trú của loài chim quý như trĩ sao và gà lôi lam mào trắng.

Đến với Vườn Quốc gia Bạch Mã, du khách sẽ có dịp khám phá những tuyến đường mòn thiên nhiên kỳ thú, như đường mòn Trĩ Sao dẫn đến thác Trĩ Sao - nơi có nhiều chim trĩ sao sinh sống; đường mòn Đỗ Quyên dẫn đến thác Đỗ Quyên, quanh năm tung bọt trắng xóa xuống các khe suối; đường mòn Ngũ Hồ dẫn đến 5 hồ nước nằm nối tiếp nhau được hình thành từ một con suối lớn; đường mòn Vọng Hải Đài dẫn đến đài ngắm cảnh trên đỉnh Bạch Mã.

Đứng từ đây, du khách có thể ngắm toàn cảnh Đèo Hải Vân, núi Túy Vân, đầm Cầu Hai, cửa Tư Hiền, Vịnh Chân Mây sát bờ biển Ðông và cả không gian huyền ảo, lắng đọng của thành phố Huế và thành phố Đà Nẵng lúc đêm về.

Ngoài ra, du khách có thể khám phá đường mòn dài 300m xuyên qua rừng chò đen, nơi có khá nhiều cây cổ thụ, nhiều cây có đường kính trên 1m và cao tới hơn 30m.

Vườn Quốc gia Bạch Mã vào mùa thay lá như một bức tranh thiên nhiên nhiều màu sắc tuyệt đẹp. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Không chỉ có vậy, Vườn Quốc gia Bạch Mã còn có khu vườn sưu tập lan - nơi tập trung hàng trăm loài hoa lan với nhiều màu sắc và kiểu dáng độc đáo.

Trước đây, vào năm 1932, người Pháp đã cho xây dựng tại Bạch Mã một khu nghỉ mát lớn nằm ở độ cao từ 1.000-1.444m so với mực nước biển. Khu nghỉ mát có 139 biệt thự, chợ, ngân hàng, bưu điện, hồ bơi, sân quần vợt và một hệ thống đường dài 19km nối quốc lộ 1A với khu trung tâm Bạch Mã.

Hiện nay, khu biệt thự cổ đã được Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bạch Mã cho trùng tu, tôn tạo thành khu nghỉ dưỡng cho du khách, mang tên Đỗ Quyên, Sao La, Kim Giao...

Những ngôi biệt thự này vẫn lưu giữ nét kiến trúc kiểu Pháp, thường chỉ cao 2 tầng, có cầu thang vòng và hành lang khá rộng, cửa sổ lớn hướng ra phía đỉnh núi tạo không gian thoáng đãng, vừa cổ kính vừa hiện đại.

Thời gian đẹp nhất để du khách đến thưởng ngoạn Bạch Mã là vào mùa Hạ và đầu mùa Thu bởi vào thời điểm này, không khí mát mẻ, thậm chí hơi se lạnh của Bạch Mã sẽ khiến cho hành trình khám phá, chinh phục của du khách trở nên thi vị hơn. Ở đây, thắng cảnh và di tích hòa quyện vào nhau tạo thành một nét duyên riêng vô cùng hấp dẫn.

Với những giá trị về đa dạng sinh học, tại Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 33 và chuỗi các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 3-7/10/2022, ở Campuchia, các quan chức về môi trường của ASEAN đã thống nhất đề cử Vườn Quốc gia Bạch Mã và Vườn Quốc gia Côn Đảo của Việt Nam là Vườn Di sản thứ 54 và 55 của ASEAN lên cấp Bộ trưởng môi trường ASEAN phê duyệt.

Vườn Quốc gia Bạch Mã - khu bảo tồn thiên nhiên ở miền Trung Việt Nam, đạt được 10/10 tiêu chí của ASEAN trong bộ tiêu chí lựa chọn Vườn Di sản ASEAN. Đây cũng là Vườn Quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam và ASEAN.

Việc công nhận Vườn Quốc gia Bạch Mã là Vườn Di sản ASEAN sẽ là dịp để nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của đa dạng sinh học của ASEAN, thúc đẩy hiệu quả công tác quản lý cũng như tăng cường hợp tác với các Vườn Di sản khác trong mạng lưới về bảo tồn và phát triển bền vững của ASEAN./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục