Khám phá hành trình “Sách xưa và nay” tại Thủ đô Hà Nội

Hội sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ hai (2015) với chủ đề “Sách xưa và nay” đã chính thức khai mạc sáng nay (17/4) và kéo dài đến hết ngày 21/4 tại Hà Nội.
Ngay trong buổi khai mạc, hội sách đã thu hút đông đảo công chúng tham dự. (Ảnh: A.N/Vietnam+)

Ngày Sách Việt Nam lần thứ hai (2015) và Hội sách với chủ đề “Sách xưa và nay” đã chính thức khai mạc sáng nay (17/4) tại tại Công viên Thống Nhất (đường Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Hội sách có sự góp mặt của hơn 100 nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách trong cả nước với 150 gian hàng và hàng vạn bản sách. Số sách này thuộc nhiều thể loại khác nhau như: sách văn học, sách thiếu nhi, sách khoa học kỹ thuật, sách hướng dẫn kỹ năng sống...

Điểm nhấn của hội sách lần này là không gian trưng bày sách theo các chủ đề: 40 năm giải phóng miền Nam (1975-2015), 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945-2015)...

Bên cạnh đó, ban tổ chức phối hợp Trung tâm Văn hóa Người Cao tuổi Việt Nam xây dựng khu trưng bày, giới thiệu về chữ Việt cổ.

Trong khuôn khổ hội sách, các đơn vị tham gia sẽ thực hiện chương trình bán sách ưu đãi và gây quỹ từ thiện: Trương Thị Hoàng Yến - tác giả cuốn sách “Truyện thơ cổ tích” ủng hộ toàn bộ số tiền bán sách để đóng góp xây dựng nhà nội trú cho học sinh tiểu học tại xã Nậm Chà (huyện Nậm Nhìn, Lai Châu), bạn đọc mua một cuốn sách “Đến với Trường Sa” (Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông) tức là đã đóng góp 5.000 đồng vào quỹ ủng hộ đồng bào, cán bộ chiến sỹ ở Trường Sa…

Phát biểu khai mạc Ngày Sách Việt Nam lần thứ hai, ông Trương Minh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: “Trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó coi trọng xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.”

Cụ thể, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, hiện nay, cả nước có một thư viện quốc gia, 63 thư viện cấp tỉnh, 650 thư viện cấp huyện, khoảng 2.400 thư viện xã, phường, thị trấn và một hệ thống thư viện của các nhà trường từ phổ thông đến đại học…

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu khai mạc Ngày Sách Việt Nam lần thứ hai. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hội sách với chủ đề “Sách xưa và nay” và Ngày Sách Việt Nam lần thứ hai được tổ chức nhằm tiếp tục khẳng định những giá trị của sách; qua đó, tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ và quảng bá sách.

“Sách đã gắn bó với con người qua hàng nghìn năm lịch sử và cho đến tận hôm nay, sách vẫn là ‘món ăn’ tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của con người,” Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

Hội sách với chủ đề “Sách xưa và nay” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức. Hội sách mở cửa từ 8 giờ-21 giờ các ngày từ 17-21/4.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, cùng với hội sách được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, từ ngày 1/4-1/5, tại nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp ở Trung ương và nhiều địa phương trên cả nước, các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ hai được tổ chức sôi nổi, như: tổ chức “Tuần lễ phát hành sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam,” tổ chức “Ngày hội đọc sách” theo chủ đề tại các trường học…/.

Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg chọn ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam.

Quyết định nêu rõ, Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục