Thời khắc khai mạc Diễn đàn kinh tế thế giới cũng là lúc công tác chuẩn bị cho Hội nghị thường niên Davos đã hoàn tất.
Mặc dù những phiên họp chính thức của Hội nghị chỉ trong khoảng bốn ngày, nhưng Ban tổ chức phải lên kế hoạch cho hơn 250 hoạt động, có những lúc có tới tám hoặc chín hoạt động diễn ra đồng thời.
Bên cạnh các cuộc trao đổi chính thức ở cấp cao, các hoạt động bên lề cũng không kém phần quan trọng.
Đây chính là cơ hội để các nhà chính trị có thể thương lượng riêng với nhau hoặc lôi kéo giới kinh doanh cùng tham gia phục vụ các mục tiêu xã hội, các nhà doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới được tiếp xúc và làm quen với nhau.
Hội trường lớn của diễn đàn Davos được bảo đảm an ninh nghiêm ngặt với những hàng rào dây thép gai cùng với lực lượng an ninh dày đặc được trang bị vũ khí tối tân.
Ngay từ đầu tuần, các đơn vị của quân đội Thụy Sĩ đã được điều động để tăng cường đảm bảo an ninh cho WEF 2014 diễn ra tại Davos từ ngày 22 đến 25/1.
Chính phủ Thụy Sĩ còn cho triển khai máy bay chiến đấu và trực thăng tới Davos để đảm bảo an ninh cho các đại biểu tham dự WEF cũng như nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình.
Lực lượng không quân Thụy Sĩ sẽ sẵn sàng bắn hạ bất kỳ máy bay lạ nào đến quá gần khu vực diễn ra Hội nghị.
Với độ cao 1.540m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình trong tháng Một vào khoảng âm 6 độ C, thật không dễ cho việc có thể đến tham dự WEF 2014.
Để có thể đến được khu trượt tuyết Davos trên Swiss Alps (Alps là dãy núi cao nhất chạy qua miền trung-nam của quốc gia này, chiếm 60% tổng diện tích của Thụy Sĩ), cách Zurich 150km về phía tây-nam, đi bằng xe limousine sẽ mất khoảng 690 USD cho chuyến đi một chiều, còn nếu đi bằng máy bay trực thăng thì giá vé khứ hồi là 9.500 USD.
Đoàn Việt Nam xuất phát từ sân bay Nội Bài để đến Zurich cũng phải hết nửa ngày, đó là chưa kể thời gian chuyển đổi máy bay ở Pháp hoặc ở Đức.
Còn từ sân bay Zurich đến chân núi Alps hết 3 giờ ôtô, nhưng từ chân núi đến thị trấn Davos cũng phải mất cả tiếng đồng hồ.
Phía cảnh sát và quân đội cũng đã thành lập các trạm kiểm soát trên khắp đường phố lớn tại đây.
Ngay từ dưới chân núi đã có những chốt an ninh sẵn sàng dừng bất kể xe nào cảm thấy nghi ngờ cần kiểm tra. Đường đến nơi tổ chức hội nghị một bên là vực thẳm, một bên là vách núi. Tuyết rơi trắng trên rừng cây và trên những mái nhà.
Để có thể lái ôtô lên Davos, nhiều xe cần phải dùng xích sắt buộc vào lốp ôtô để tránh trơn trượt trên con đường núi quanh co, nguy hiểm.
Tìm kiếm được khách sạn tại Davos trong tuần lễ WEF rất khó khăn nếu không có được sự hỗ trợ của Ban tổ chức. Chỉ có những khách mời với tư cách là diễn giả thì được WEF cử xe ra đón và giúp tìm đặt chỗ khách sạn, nhưng cũng phải tự chi trả chi phí.
Davos là thị trấn nhỏ với số lượng khách sạn hạn chế nên các khách sạn từ hai sao trở lên đều được đặt và kín chỗ ngay từ thời điểm trước khi diễn ra Hội nghị khoảng 3 tháng.
Vì một số lý do, đặc biệt là vấn đề an ninh, mà Hội nghị Davos 2014 rất nghiêm ngặt trong việc cấp thẻ vào Trung tâm hội nghị và phải đăng ký trước thời điểm ngày 31/10/2013.
Việc tìm được nơi có đường truyền Internet để tác nghiệp cho các phóng viên quả là bài toán khó, bên cạnh những khó khăn về chênh lệch múi giờ.
Giá một phòng ở một nhà nghỉ bình dân cũng khoảng 550 USD/đêm. Một bữa tiệc bespoke ngoài trời với mức giá 2.000 USD không phải là điều bất thường.
Đoàn Việt Nam (ngoại trừ Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã được WEF bố trí khách sạn) tất cả đều nghỉ ở nhà nghỉ Snowboardhotel Bolgenschanze, CH-7270 Davos Platz cách Trung tâm Hội nghị khoảng 1,4km với giá thuê 510 USD/đêm và phải trả tiền ít nhất là năm đêm cho dù có ở ít hơn.
Mặc dù vậy, đoàn cũng phải nhờ Phái đoàn đại diện Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneve nỗ lực liên hệ với Ban tổ chức từ trước đó mới có thể đặt được.
Nhiều đoàn các nước khác phải chấp nhận thuê nhà nghỉ ở cách cả chục km khiến việc đi lại rất khó khăn, nhưng cũng không còn sự lựa chọn nào khác.
Không chỉ có Phó Thủ tướng Việt Nam mà hầu hết lãnh đạo các nước đến với Hội nghị đều tranh thủ những giờ phút quý báu để gặp gỡ, tiếp xúc song phương, đa phương, cũng trao đổi bàn thảo những vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia và trách nhiệm quốc tế./.