Thời gian là 3 giờ sáng tại khu vực khách quan trọng (VIP) ở Trung tâm Hàng không Mohammed Bin Rashid ở Dubai và một chiếc máy bay tư nhân có khả năng bay với cự ly siêu dài đang chuẩn bị cất cánh. Chiếc phi cơ hạng sang, với 14 chỗ ngồi chuẩn bị hướng tới châu Âu, chỉ đang chờ đón hành khách chính của nó và đoàn tùy tùng kèm theo.
Đối với hành khách siêu giàu này và những người giống như thế, đây chỉ là một chuyến bay rất bình thường. Với việc tiền không thành vấn đề, mọi thứ sẽ được tùy chỉnh theo ý muốn của vị khách. Hãng bay sẽ cung cấp những thứ xa xỉ nhất, từ ga trải giường cao cấp cho đến những đồ ăn nhanh như bánh Big Macngay khi khách yên vị.
“Ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, cứ mỗi khi vị khách này bay là những món ăn từ hai hãng đồ ăn nhanh như KFC và McDonald luôn phải có đầy đủ để phục vụ,” theo Lilit Avetikyan, Giám đốc điều hành (CEO) kiêm nhà sáng lập công ty máy bay tư nhân Voyex cho biết.
Đối với các cựu binh làm việc lâu năm trong lĩnh vực hàng không tư nhânở Dubai, việc phục vụ những yêu cầu đặc biệt của các vị khách triệu phú chỉ là một phần công việc, cho dù yêu cầu chỉ đơn giản là những món ăn nhanh, hay khó hơn là tấm vé đến dự lễ trao giải Oscar danh giá, hoặc một chuyến du lịch bất ngờ. Tất cả yêu cầu đều sẽ được thực hiện nhanh chóng.
Đó là một câu lạc bộ thượng lưu của những chuyến bay tư nhân. Được biết, mỗi chặng bay như thế này sẽ khiến khách tiêu tốn từ 50.000 đến 200.000 USD.
Là một công ty môi giới tổ chức các chuyến bay tư nhân cao cấp, Voyex tự hào có quyền truy cập vào mạng lưới hơn 20.000 máy bay trên khắp thế giới. Những chiếc máy bay này có thể được đặt hàng và sẵn sàng cất cánh chỉ trong vài giờ.
"Chúng tôi có quyền tiếp cận đặc biệt với hai chiếc máy bay rất độc quyền, chỉ dành cho những cá nhân có khối tài sản khổng lồ, chẳng hạn như các gia đình hoàng gia hoặc thành viên chính quyền... Những chiếc máy bay đó sẽ giống như những căn biệt thự nhỏ trên không vậy," Lilit Avetikyan cho biết.
Trong khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang ảnh hưởng đến nhiều khu vực lớn của nền kinh tế toàn cầu, tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), số lượng triệu phú vẫn đang gia tăng nhanh hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Họ chính là các cá nhân gây ảnh hưởng tới nhu cầu sử dụng dịch vụ hàng không tư nhân hạng sang.
“Nam châm” hút người giàu
Có hơn 6.700 triệu phú được dự đoán sẽ chuyển sang sống ở UAE chỉ riêng trong năm 2024, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Số lượng các “triệu phú centi” (có trị giá tài sản ròng từ 100 triệu USD đổ lên) tại Dubai dự kiến sẽ tăng 150% vào năm 2040, theo công ty tư vấn định cư và quốc tịch tích hợp lớn nhất toàn cầu, Henley and Partners.
Trong báo cáo Private Wealth Migration năm 2024, công ty này cho thấy rằng số lượng triệu phú nhập cư tăng mạnh từ Ấn Độ, Trung Đông, Nga, Châu Phi, Anh Quốc và Châu Âu là minh chứng cho thấy sự thu hút của Dubai đối với người giàu. Còn theo công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, Dubai hiện đang trở thành thị trường bất động sản sôi động nhất thế giới, với những ngôi nhà có trị giá trên 10 triệu USD.
"Trong vòng 50 năm qua, Dubai đã xây dựng được danh tiếng như một trung tâm xa hoa bậc nhất thế giới”, Faisal Durrani - trưởng nhóm nghiên cứu tại Knight Frank khu vực Trung Đông, nhận xét. "Giới siêu giàu trên thế giới đã và đang tích cực săn lùng những ngôi nhà đắt đỏ nhất ở Dubai".
Faisal Durrani cũng chỉ ra rằng nhu cầu về sự xa xỉ và độc quyền của giới siêu giàu không chỉ dừng lại ở bất động sản mà còn lan rộng sang cả lĩnh vực hàng không tư nhân, đặc biệt tại các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư như UAE và Arab Saudi. Điều này càng được thúc đẩy bởi trong lịch sử Dubai vốn luôn là một trung tâm kết nối toàn cầu.
"Nhìn lại tháng 12/2020, khi phần lớn thế giới vẫn đang trong tình trạng phong tỏa bởi đại dịch COVID-19, UAE lại không bị ảnh hưởng. Nhiều cá nhân có giá trị tài sản siêu lớn đã lần đầu tiên đặt chân đến Dubai, bởi đó là điểm đến duy nhất họ có thể tới lúc bấy giờ", Durrani chia sẻ.
Thị trường máy bay tư nhân ở Trung Đông được định giá 566 triệu USD và dự kiến sẽ tăng lên 943 triệu USD vào năm 2029, theo công ty tư vấn Creative Zone. Mặc dù số lượng chuyến bay tư nhân ở châu Âu và Mỹ có thể lớn hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng ở Trung Đông và các thị trường mới nổi như Ấn Độ là không thể sánh kịp, theo như lời Youssef Mouallem, Phó chủ tịch điều hành quốc tế của công ty hàng không tư nhân toàn cầu Vista.
Youssef cho biết UAE chiếm 59% sự tăng trưởng chung của ngành hàng không tư nhân trong khu vực. Nhưng không chỉ mình UAE chứng kiến sự bùng nổ. Arab Saudi cũng đang xây dựng từ 6 đến 8 nhà ga sân bay mới dành riêng cho máy bay tư nhân.
Sharjah — tiểu vương quốc lân cận Dubai — sẽ trở thành nơi đặt nhà chứa máy bay rộng 14.000 mét vuông và có khu vực siêu "VIP", sau khi tập đoàn dịch vụ hàng không Gama Aviation ở Anh gần đây thông báo sẽ đầu tư 100 triệu USD vào một cơ sở mới tại Sân bay Quốc tế Sharjah.
Ảnh hưởng đến môi trường
Với việc ngành hàng không chiếm 3% lượng phát thải carbon toàn cầu, không phải quốc gia nào cũng nhiệt tình ủng hộ các hãng hàng không tư nhân. Năm ngoái, Hà Lan đã tuyên bố ý định cấm máy bay tư nhân và các hãng hàng không nhỏ tại sân bay chính Schiphol từ năm 2026, nhằm giảm tiếng ồn và lượng khí thải CO2/hành khách.
Theo Liên đoàn Vận tải và Môi trường châu Âu, trung bình, máy bay tư nhân thải ra lượng khí carbon cao gấp 10 lần so với máy bay thương mại và gây ô nhiễm gấp 50 lần so với tàu hỏa.
Youssef cho biết ngành hàng không tư nhân đã quen với "những biến động khác nhau trên toàn thế giới liên quan đến các lệnh cấm áp lên hàng không tư nhân", và nhấn mạnh rằng mấu chốt để giải quyết vấn đề không nên là cấm các chuyến bay, mà là thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Việc sử dụng SAF có thể giảm tới 80% lượng khí thải CO2. Nhiên liệu này cũng được sản xuất từ các nguyên liệu bền vững như mỡ động vật, dầu, rác thải sinh hoạt và cây trồng.
Vào tháng 11/2023, hãng hàng không Emirates đã vận hành chuyến bay trình diễn Airbus A380 sử dụng 100% nhiên liệu SAF. Dù có triển vọng tốt, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế ước tính rằng khả năng sản xuất SAF trong năm 2024 sẽ không vượt quá 1,5 triệu tấn, tức mới chỉ chiếm khoảng 0,5% nhu cầu nhiên liệu hàng không.
Theo lời Youssef, công ty của ông đã mua hơn 15 triệu lít nhiên liệu SAF trong năm qua. Voyex hiện không có chương trình bù đắp carbon (một cơ chế giao dịch carbon cho phép bù đắp lượng phát thải khí nhà kính bằng cách đầu tư vào những dự án giảm thiểu, tránh hoặc loại bỏ lượng khí thải ở nơi khác), nhưng Lilit Avetikyan cho biết công ty đang đàm phán với một tổ chức môi trường để đóng góp một phần lợi nhuận của mình cho các chương trình trồng cây. Vị CEO này cũng nhấn mạnh rằng phải mất nhiều thời gian để cung cấp đủ nhiên liệu nhằm thay đổi toàn ngành hàng không.
"Đó là thực tế mà với vai trò là bên môi giới thực hiện chuyến bay thuê, chúng tôi sẽ có ít quyền kiểm soát. Đây là một quyết định thuộc về các nhà điều hành và nhà cung cấp”, Lilit nói và cho rằng khách hàng của bà không nên cảm thấy tội lỗi về tác động môi trường từ những chuyến bay tư nhân mà họ thực hiện."Tôi đang nói thay mặt cho khách hàng của mình. Họ không nên cảm thấy tồi tệ (vì những chuyến bay đó)... và họ hoàn toàn xứng đáng với dịch vụ của chúng tôi”.