Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vừa giới thiệu cụm công trình phục vụ phổ biến kiến thức về thiên văn, vũ trụ, gồm: Đài thiên văn Hòa Lạc, Bảo tàng Vũ trụ Việt Nam, Nhà chiếu hình vũ trụ sẽ được vận hành vào đầu quý 2/2019. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đây là đài thiên văn lớn nhất miền Bắc, được trang bị một kính thiên văn quang học do Công ty Marcon, một công ty nổi tiếng của Ý thiết kế và chế tạo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hệ kính này có thể giúp người quan sát tìm kiếm thiên thể gần Trái Đất, nghiên cứu khí quyển (bề dày, mây, mù), đo phổ vạch của các sao. Kính cũng là phương tiện lý tưởng chiêm ngưỡng những hiện tượng thú vị như mưa sao băng, nhật thực, nguyệt thực trên cả nước. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trung tâm sở hữu một phòng chiếu các hình ảnh vũ trụ quy mô khoảng 100 ghế ngồi được thiết kế giống như một rạp chiếu phim dạng mái vòm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhà chiếu được trang bị hệ thống 6 máy chiếu độ phân giải cao mang lại hiệu ứng 3D chân thực về bầu trời và các vì sao. Hiệu ứng hình ảnh 3D đạt được xuất phát từ thiết kế dạng mái vòm của nhà chiếu hình kết hợp với việc bố trí các vị trí máy chiếu một cách phù hợp. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khi trình chiếu các bộ phim có hình ảnh về không gian vũ trụ, hình ảnh và khung cảnh chân thực chuyển động liên tục khiến cho người xem cảm thấy 'như đang bay vào vũ trụ'. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Mái che kính thiên văn trên đài quan sát cũng tự động xoay khi kính di chuyển theo chuyển động của vật thể trên bầu trời. Khẩu độ lớn cho phép nhìn thấy vật sáng mờ hơn gần 4.000 lần so với mắt thường. Kính thiên văn có độ phân giải 0,5 giây góc, tương đương khoảng cách cỡ 1km trên bề mặt Mặt Trăng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trên bầu trời sẽ có nhiều đối tượng cần quan sát luôn chuyển động nên kính cũng tự động quay, ngẩng theo các góc độ khác nhau, đảm bảo nắm bắt được chuyển động của vật thể được tốt nhất. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đây là ống ngắm quan sát được ở góc rộng giúp người xem định hình và đưa đối tượng muốn chụp/ngắm vào trường nhìn của ống của kính thiên văn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thiết bị quan sát chủ yếu của Đài thiên văn là kính thiên văn quang học phản xạ dạng Ritchey - Chretien có khẩu độ 50cm, lớn nhất Việt Nam hiện nay. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đây là bộ xoay trường và máy ảnh chuyên dụng gắn tại tiêu diện của kính thiên văn phản xạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đài thiên văn được đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, cách Trung tâm Hà Nội 30km. Đây là đài thiên văn lớn nhất miền Bắc với vốn đầu tư 60 tỷ đồng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Vietnam+)