Khám phá bánh cuốn - một trong những món ngon hàng đầu thế giới

Bánh cuốn là món ăn đặc trưng của Việt Nam, xuất hiện khắp các vùng miền trên cả nước, kèm theo tên gọi của từng địa phương, như bánh cuốn Cao Bằng, bánh cuốn Lạng Sơn, bánh cuốn Hà Nội…
Bánh cuốn Hà Nội được cắt thành từng miếng nhỏ bằng một thanh tre. (Nguồn: Vietnam+)

Mới đây, trang Traveller - chuyên trang du lịch nổi tiếng của Australia, đã đưa món bánh cuốn Việt Nam vào top 10 những món ngon hấp dẫn nhất thế giới trong năm 2023.

Bánh cuốn là món ăn đặc trưng của Việt Nam, xuất hiện ở khắp các vùng miền trên cả nước, kèm theo tên gọi của từng địa phương, như bánh cuốn Cao Bằng, bánh cuốn Lạng Sơn, bánh cuốn Hà Nội…

[Cảnh đẹp và ẩm thực Việt Nam gây ấn tượng với báo chí quốc tế]

Đặc điểm chung của bánh cuốn là được làm từ bột gạo pha loãng, tráng đều lên một chiếc phên và hấp chín bằng hơi nước, để ra đời một chiếc bánh trắng muốt, mỏng manh, dẻo dai. Bột làm bánh phải là gạo ngon, được xay kỹ với nước. 

Bánh cuốn được tráng bằng bột gạo loãng. (Nguồn: Vietnam+)

Bánh cuốn mỗi nơi sẽ có các loại đồ ăn kèm và nước chấm khác nhau.

Cùng khám phá ba loại bánh cuốn điển hình của ba vùng miền để hiểu được vì sao món ăn này được ưa thích đến thế.

Bánh cuốn Cao Bằng

Bánh cuốn Cao Bằng còn được gọi là bánh cuốn canh. Khi bánh vừa chín, người bán hàng sẽ rải lên một thìa thịt băm nhuyễn đã xào chín, khéo léo gói lại thành những chiếc bánh nhỏ nhỏ xinh xinh cỡ hai ngón tay. Vỏ bánh mỏng và trong lộ rõ phần thịt bên trong rất hấp dẫn.

Bánh cuốn Cao Bằng đang rất được yêu thích tại Hà Nội. (Nguồn: Vietnam+)

Gọi là bánh cuốn canh bởi bánh được ăn cùng với một bát nước xương nóng hổi, béo ngậy, thêm chút hành hoa, rau mùi.

Thứ nước canh xương đó người không ăn quen sẽ chê ngấy, nhưng khi đã ăn rồi thì lại nghiện khó rời, nhất là khi được ăn kèm với măng ớt chua cay đặc trưng của bánh cuốn xứ này.

Người ăn gắp một chiếc bánh bé xinh lên, nhúng ngập vào bát nước dùng có pha măng ớt, cắn một miếng để cảm nhận được vị bánh và thịt đậm đà. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng lại dễ khiến người ta muốn ăn đi ăn lại nhiều lần.

Tại Hà Nội, đã có những cửa hàng mang biển “Bánh cuốn Cao Bằng” trên nhiều khu phố, và được khách hàng Hà Nội ưa thích bởi sự mới lạ và ngon miệng.

Bánh cuốn Lạng Sơn

Bánh cuốn Lạng Sơn cũng là một loại bánh cuốn được nhiều người yêu thích, trong đó không thể không nhắc đến bánh cuốn trứng.

Với loại bánh này, khi bột được hấp vừa đủ chín, người bán hàng sẽ đập 1 quả trứng lên trên mặt bánh. Chờ đến khi lòng trắng trứng chuyển sang màu trắng đục, người bán hàng sẽ khéo léo dùng một que tre lật các cạnh bánh lên rồi gấp lại cho bao kín quả trứng, sau đó múc một thìa thịt băm nhuyễn xào gia vị đặt lên trên cùng. Lớp bánh trong suốt để lộ rõ màu vàng hấp dẫn của trứng bên trong, ăn vào đậm đà, béo ngậy.

Đặc biệt hơn, bánh cuốn Lạng Sơn được ăn cùng với nước chấm khá đặc biệt, là nước xương hầm cùng với thịt băm được chưng sệt rắc thêm các loại rau thơm. Vị béo ngậy của nước chấm đã tạo nên một hương vị độc đáo không thể quên đối với những ai đã từng “trót” thử món bánh này khi đến thăm xứ Lạng.

Bánh cuốn Hà Nội

Là vùng đất ngàn năm văn hiến, Hà Nội cũng có một món bánh cuốn riêng của mình, đơn giản, mộc mạc nhưng lại rất ngon miệng.

Bánh cuốn Hà Nội. (Nguồn: Vietnam+)

Bánh cuốn Hà Nội đã xuất hiện trong cuốn “Món ngon Hà Nội” của Thạch Lam từ những năm đầu thế kỷ 20. Đó là loại bánh cuốn Thanh Trì không nhân, được rải thêm những lớp hành phi, mộc nhĩ, xếp gấp lại thành những đường nhăn đẹp mắt, chấm với nước chấm chua ngọt, với những miếng chả quế thơm thơm.

Nhưng cho đến hiện tại, bánh cuốn nóng mới là món ăn ưa thích của người dân Hà Nội, từ mùa Đông đến mùa Hè, từ sáng đến đêm.

Giống như bánh cuốn của các nơi khác, bánh cuốn thịt có thêm lớp nhân thịt băm xào mộc nhĩ ở trong. Người bán sẽ khéo léo cuộn lại thành những chiếc bánh to, dài, rồi dùng một thanh tre nhỏ nhấn nhẹ thành những khúc nhỏ vừa miệng, rắc hành khô và bày ra đĩa. Đây cũng chính là điểm khác biệt về hình thức của bánh cuốn thịt Hà Nội so với bánh cuốn thịt các nơi khác.

Một cửa hàng bánh cuốn trên vỉa hè Hà Nội. (Nguồn: Vietnam+)

Hà Nội cũng có bánh cuốn trứng. Nhưng khác với Lạng Sơn, người ta sẽ rải ngay lên lòng đỏ trứng một ít thịt băm xào mộc nhĩ, rồi mới gấp miếng bánh lại. Những miếng bánh dai dai vì có thêm lòng trắng trứng, phần nhân lòng đỏ vừa chín tới, đủ để hơi trào ra khỏi chiếc bánh, hấp dẫn hơn cả những món trứng ốpla sang trọng có trong các khách sạn.

Một suất bánh cuốn hoàn chỉnh gồm bánh, trứng, cùng nước chấm và chả quế thường chỉ có giá từ 30.000-50.000 đồng vừa no bụng, vừa ngon miệng lại đủ chất.

Đó là lý do những cửa hàng bánh cuốn nghi ngút khói luôn tấp nập khách từ sáng đến đêm, đặc biệt trong những đêm mùa Đông lạnh giá của miền Bắc./.

Bánh cuốn Hà Nội được chia thành 2 loại là có nhân và không có nhân. Điển hình là bánh cuốn Thanh Trì là loại không nhân, tráng mỏng, được ăn kèm với chả quế. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Bánh cuốn Hà Nội được chia thành 2 loại là có nhân và không có nhân. Điển hình là bánh cuốn Thanh Trì là loại không nhân, tráng mỏng, được ăn kèm với chả quế. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Luôn nằm trong danh sách 10 món ngon nhất định phải thử khi đến Hà Nội, bánh cuốn Thanh Trì với hương vị tự nhiên được lưu truyền bao đời nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân thủ đô. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Bánh cuốn Thanh Trì của Hà Nội với hương vị tự nhiên được lưu truyền bao đời nay, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân thủ đô. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Bánh cuốn thịt trắng mềm được làm chủ yếu từ bột gạo, tráng mỏng trên một miếng vải và hấp chín trong một chiếc nồi hơi nước lớn khoảng vài phút. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Bánh được làm chủ yếu từ bột gạo, ăn kèm với các loại rau thơm, hành phi cùng nước mắm và chả quế hoặc chả nướng. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Sau khi tráng chín, bánh cuốn được cuộn thêm phần nhân gồm thịt băm, mộc nhĩ, ăn kèm với các loại rau thơm, hành phi cùng nước mắm và chả, ngon nhất là loại chả quế. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Hương vị của món bánh cuốn có trọn vẹn, hoàn hảo hay không cũng phụ thuộc vào bát nước mắm ăn kèm. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Bánh cuốn có sự khác biệt, đa dạng trong cả cách chế biến và hương vị theo từng vùng miền riêng. Như bánh cuốn Cao Bằng, thay vì nước chấm pha mắm, bánh cuốn ăn với nước xương ninh thơm nên còn gọi là “bánh cuốn canh,” để phân biệt với bánh cuốn ở miền xuôi. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục