Chiều 13/2, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã dự và cắt băng khai trương siêu thị tiêu thụ thực phẩm nông sản an toàn UCAmart đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Đây là siêu thị nằm trong chuỗi siêu thị UCAmart thuộc Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (Liên minh hợp tác xã Việt Nam) với tiêu chí là trung tâm bán buôn, bán lẻ, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn Việt Nam đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Phát biểu tại lễ khai trương, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng nền nông nghiệp Việt Nam vẫn cơ bản là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, năng suất, hiệu quả chưa cao, đứng trước thách thức lớn khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vấn đề đáng báo động nhất hiện nay là thiếu an toàn thực phẩm. Chính ý thức chưa tốt của người sản xuất, người kinh doanh, thực trạng “vườn hai luống, ruộng hai thửa” dẫn đến nhiều người quay lưng lại với hàng Việt Nam.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh điều quan trọng nhất là ý thức, sự tự giác từ người sản xuất đến người kinh doanh. Không chỉ đòi hỏi người tiêu dùng phải thông minh mà trước hết người sản xuất, người phân phối phải có lương tâm, có trách nhiệm tạo ra nông sản thực sự an toàn, vì lợi ích của mình, vì lợi ích của người dân, vì sức khỏe cộng đồng.
Biểu dương Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thành lập Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn, chuỗi hệ thống siêu thị UCAmart bước đầu đã khẳng định và tạo được niềm tin trong nhân dân, Phó Chủ tịch nước khẳng định chuỗi siêu thị rau, thực phẩm an toàn sẽ góp phần xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch nước đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục tham mưu, đề xuất với Chính phủ có các cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhiều hơn, không chỉ đầu tư ở những địa bàn thuận lợi mà ở cả các vùng sâu, vùng xa để nông dân có ý thức vươn lên từ sản xuất hàng hóa.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phải xây dựng được hệ thống hợp tác xã nông nghiệp uy tín, để người dân tham gia vào một cách hoàn toàn tự nguyện, phấn đấu đến năm 2020 có 45.000 hợp tác xã nông nghiệp.
Theo Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam Phạm Anh Tuấn, sản phẩm nông sản thiếu an toàn từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh, nhức nhối tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Chính vì vậy, muốn tạo dựng uy tín, tăng tính cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường cả trong và ngoài nước, mấu chốt là phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, cung ứng sản phẩm nông sản theo chuỗi an toàn thực phẩm.
Trước thực tế đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã vận động các hợp tác xã tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng nguyên liệu an toàn, chỉ đạo thành lập Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCA), nhằm hiện thực hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất-chế biến-tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam với mục tiêu và tiêu chí đồng nhất một loại giống, đồng nhất một công nghệ, đồng nhất một sản phẩm.
Liên hiệp hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam được thành lập với mục tiêu tạo mối liên kết, là đầu kéo cũng như “bà đỡ” cho các tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng nên các chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm an toàn, góp phần xây dựng các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất quy mô lớn về nông sản và thực phẩm an toàn cho quốc gia, tiến tới phục vụ xuất khẩu.
Năm 2016, Liên hiệp đã tổ chức khai trương chuỗi siêu thị thực phẩm nông sản an toàn Việt Nam UCAmart, liên kết với trên 100 hợp tác xã sản xuất nông sản an toàn trên toàn quốc. Thời gian triển khai thực tế cho thấy Liên hiệp đã tìm được tiếng nói chung giữa người sản xuất nông sản thực phẩm an toàn và tiêu dùng.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Võ Kim Cự cho biết để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và thực hiện Quyết định 1980/QĐ-TTg về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, trong đó có tiêu chí mỗi xã có ít nhất 1 hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản xuất, cần có 3 mấu chốt là thị trường, hàng hóa và sản xuất công nghệ cao, quy mô lớn.
Các hợp tác xã siêu nhỏ, thiếu công nghệ không thể tồn tại được. Sắp tới, mỗi tỉnh cần có ít nhất 1-2 doanh nghiệp làm đầu kéo gắn với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, xây dựng chuỗi giá trị trong từng vùng miền, từng tỉnh và liên tỉnh, cả nước và gắn với chuỗi giá trị toàn cầu.
Các tổ chức cá nhân sản xuất, vì trách nhiệm nhân văn, đạo đức của người sản xuất, cung cấp hàng hóa đảm bảo chất lượng cao và an toàn tuyệt đối.
Ông Võ Kim Cự đề nghị cộng đồng dân cư và người tiêu dùng tham gia giám sát thường xuyên vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm./.