Khai trương Hội quán Hải Nam tại Di sản văn hóa thế giới Hội An

Ban trị sự Hội quán Hải Nam tổ chức khai trương, đưa điểm di tích Hội quán Hải Nam vào tuyến tham quan Khu phố cổ - Di sản văn hóa thế giới.

Ngày 23/11, Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An, Ban trị sự Hội quán Hải Nam tổ chức khai trương, đưa điểm di tích Hội quán Hải Nam vào tuyến tham quan Khu phố cổ - Di sản văn hóa thế giới.

Lễ khai trương được tổ chức tại Hội quán Hải Nam (số 10 đường Trần Phú), thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An cho biết​ việc đưa điểm di tích Hội quán Hải Nam vào tuyến tham quan Khu phố cổ nhằm làm phong phú thêm các điểm tham quan đối với du khách khi đến với Di sản văn hóa thế giới - Phố cổ Hội An.

Di tích này cũng sẽ được đưa vào danh sách những địa điểm cần được bảo vệ, trùng tu... theo quy định đối với di tích nằm trong quần thể di sản Phố cổ Hội An.

Từ thế kỷ XVI, các thế hệ người Hoa đã xem Hội An là nơi “đất lành chim đậu” để định cư, buôn bán và cùng nhau thành lập nên các Hội quán làm nơi tụ họp và sinh hoạt cộng đồng.

Trải qua nhiều biến thiên của thời gian, các Hội quán người Hoa vẫn được bảo tồn nguyên vẹn về kiến trúc, tín ngưỡng thờ phụng, phong tục tập quán và đã trở thành một phần hồn không thể thiếu của Khu di sản văn hóa thế giới Hội An.

Các di tích Hội quán Phước Kiến, Quảng Đông, Triều Châu được giới thiệu trong chương trình tham quan tại Đô thị cổ Hội An và thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan và bái lễ.

Hội quán Hải Nam (trước đây gọi là Quỳnh Phủ Hội quán) được xây dựng theo lối kiến trúc cổ của Trung Hoa.

Với các gian chính điện, nhà Đông, nhà Tây, sân trước, sân sau cùng với sự kết hợp hài hòa, khéo léo giữa các loại vật liệu với tài hoa trong nghệ thuật chế tác của người nghệ nhân thi công nhằm tạo nên một công trình vừa hội đủ yếu tố trang trọng, uy nghiêm để thờ phụng; vừa mang lại một không gian ấm cúng, gắn kết các thành viên trong sinh hoạt cộng đồng.

Giữa chánh điện là một bộ thờ bằng gỗ sơn son thiếp vàng miêu tả cảnh sinh hoạt tam giới “Trời, Đất, Thủy Cung” hết sức độc đáo.

Phía trong long môn là bài vị 108 vị anh linh từng được vua Tự Đức sắc phong “Nghĩa Liệt Chiêu Ứng” và cấp đất lập miếu thờ phụng.

Từ chánh điện nhìn ra, phía bên trái có thờ Thần Tài, phía bên phải thờ Tiền Hiền với ý nghĩa cầu mong tiền tài và được các bậc Tiền nhân che chở.

Mỗi năm, người Hải Nam ở Hội An và các nơi thường tụ họp tổ chức hành lễ vào các dịp 2/1 và 15/6 Âm lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục