Ngày 15/8, tại Hà Nội, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia và Trung tâm Hợp tác Mạng thông tin Á-Âu đã tổ chức Lễ khai trương dự án Asi@Connect tại Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam đối với dự án Mạng Thông tin Á-Âu Asi@Connect.
Ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia cho biết, dự án Asi@Connect cung cấp Mạng Thông tin Á-Âu TEIN có lưu lượng băng thông lớn, chất lượng cao, phi thương mại và chuyên dụng cho các hoạt động hợp tác nghiên cứu và đào tạo tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời hỗ trợ cổng kết nối tới các mạng nghiên cứu và đào tạo tại châu Âu cùng nhiều khu vực khác trên thế giới.
Tại Việt Nam, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia là đơn vị được giao làm đầu mối quốc gia và chủ trì triển khai kết nối Mạng Thông tin Á-Âu từ năm 2008 đến nay. Việc tham gia vào dự án đã đưa đến việc hình thành và phát triển Mạng Nghiên cứu và Đào tạo Việt Nam, góp phần thúc đẩy các hoạt động hợp tác và hội nhập trong nước, khu vực và quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo.
Ông Trần Đắc Hiến khẳng định, lễ khai trương dự án Asi@Connect tại Việt Nam đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới trong hoạt động hợp tác nghiên cứu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
[Cơ hội và thách thức nào cho mạng 5G ở Việt Nam?]
Được xây dựng dựa trên các thành quả tích cực từ các giai đoạn trước, Asi@Connect sẽ góp phần thúc đẩy kết nối số giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực ở tốc độ nhanh hơn. Dự án cũng sẽ triển khai các dịch vụ mạng tiên tiến và đóng góp vào việc đạt các mục tiêu phát triển bền vững do Liên hợp quốc đề ra thông qua việc rút ngắn con đường truy cập tới các nguồn lực đào tạo và nghiên cứu, giúp cho khoảng cách số trong khu vực ngày càng được thu hẹp lại.
Tại Lễ khai trương, Phó Đại sứ của Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, bà Axelle Nicaise đã chia sẻ về vai trò của Asi@Connect. Theo bà Nicaise, EU từ lâu đã nhận thức rõ tiềm năng và lợi ích của việc thúc đẩy kết nối “người với người”.
Trong đó, Asi@Connect là một điển hình tiêu biểu của hội nhập khu vực với việc các cộng đồng nghiên cứu và đào tạo tại 23 quốc gia, nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể kết nối với nhau thông qua đường mạng TEIN có lưu lượng băng thông và chất lượng cao.
Asi@Connect sẽ là một động lực quan trọng để phát triển một môi trường công nghệ thông tin an toàn, mở và hợp tác giữa hai khu vực Á- Âu cũng như góp phần đem lại nhiều lợi ích cho xã hội nói chung. Bên cạnh đó, nhiều dự án, chương trình nghiên cứu ở quy mô toàn cầu có thể hưởng lợi từ những liên kết mạng có dung lượng băng thông lớn, ví dụ như các chương trình chia sẻ dữ liệu và hợp tác trong các lĩnh vực thiên văn học, khí tượng học, theo dõi biến đổi khí hậu hoặc cảnh báo sớm thảm họa thiên nhiên.
Cũng tại Lễ khai trương, Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu của Bệnh viện Bạch Mai Phạm Cẩm Phương cho biết ông từng được giới thiệu về TEIN và Asi@Connect cách đây 2 năm, khi sang Hàn Quốc tham dự khóa học về chẩn đoán, vai trò của y học hạt nhân trong bệnh ung thư.
Theo ông Phạm Cẩm Phương, Hàn Quốc ứng dụng dự án này rất tốt thông qua các buổi giảng dạy trực tuyến, nhờ trang thiết bị tốt cùng đường truyền tốc độ rất cao. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế có thể giúp kết nối các cơ sở y học hạt nhân ở nhiều đia điểm khác nhau trong 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Chính vì vậy, ông Phạm Cẩm Phương hy vọng thời gian tới, dự án Asi@Connect được nhân rộng để lĩnh vực y tế được hỗ trợ về đường truyền, từ đó có thể kết nối với các mạng thông tin Á-Âu, giúp các y bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ sư, kỹ thuật viên có thể học hỏi được kinh nghiệm của nhiều đồng nghiệp trên thế giới.
Trong khuôn khổ Lễ khai trương, nhiều hoạt động đã được tổ chức như trưng bày giới thiệu poster về các dự án hợp tác điển hình trong Asi@Connect, hội thảo về kinh nghiệm phát triển các mạng nghiên cứu và đào tạo quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hội thảo về Eduroam./.