Trong khi tình thu ngân sách Nhà nước có thể bị hụt cả nghìn tỷ đồng vì tình trạng kê khai thiếu doanh thu, tính thiếu thuế của nhiều doanh nghiệp lớn thì chi ngân sách lại "vung tay" với cả trường hợp không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức.
Hơn 11.000 tỷ đồng phải nộp lại
Theo kết quả kiểm toán ngân sách Nhà nước năm 2015 vừa được công bố chiều 21/7, thu ngân sách năm 2015 đạt hơn 998.000 tỷ đồng, vượt 9,6% (87.117 tỷ đồng) dự toán.
Tuy vậy, đại diện Kiểm toán Nhà nước đánh giá, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách vẫn diễn ra khá phổ biến tại các doanh nghiệp, đơn vị được kiểm toán.
Kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã xác định số tiền phải nộp ngân sách tăng thêm gần 11.365 tỷ đồng trong đó một số đơn vị có kiến nghị nộp ngân sách lớn như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) 2.054 tỷ đồng; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – trách nhiệm hữu hạn một thành viên (SATRA) 1.755 tỷ đồng; Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - trách nhiệm hữu hạn một thành viên (RESCO) 1.264 tỷ đồng.,..
Cá biệt qua đối chiếu thuế, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho biết, cơ quan này đã chuyển 1 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an để điều tra làm rõ về các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Dầu khí Hoàng Ngân. Công ty này đã phát sinh một số giao dịch mua bán lớn (hàng tỷ đồng) bất thường, đáng ngờ, có dấu hiệu mua bán hóa đơn.
[Đại biểu Quốc hội: Có tình trạng "lạm dụng ngân sách để mua tài sản"]
Cũng về thu ngân sách, báo cáo ngành kiểm toán cho thấy, một số cục thuế, chi cục thuế chưa quản lý hết các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nhưng chưa đăng ký thuế. Một số đơn vị bị nêu tên như: Cục Thuế thành phố Cần Thơ, Cục Thuế tỉnh Tiền Giang, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đăk Nông, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Kon Tum, thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Ngoài ra, cũng có tình trạng, một số cục thuế chưa thực hiện xử phạt hoặc xử phạt chưa đầy đủ đối với các trường hợp chậm nộp hồ sơ khai thuế, chưa yêu cầu người nộp thuế kê khai đầy đủ các chỉ tiêu trên danh bạ người nộp thuế.
Ngành thuế cũng bị Kiểm toán Nhà nước nhắc tới bởi một số cục thuế không hoàn thành kế hoạch thanh tra , kiểm tra thuế đã được giao. Một loạt đơn vị được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra là: Cục Thuế thành phố Hà Nội mới hoàn thành các cuộc kiểm tra đạt 67,6% kế hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh đạt 62,3%; Chi cục Thuế thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đạt 84% kế hoạch,…
Hụt thu, địa phương đi… chiếm dụng để bù đắp
Ở phía ngược lại, với chi ngân sách, đánh giá Kiểm toán Nhà nước nêu lên thực tế, một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị được kiểm toán vẫn còn quyết toán một số khoản chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Riêng với những khoản này, ngành kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, nộp ngân sách 116,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một số địa phương hụt thu chưa rà soát, cắt giảm hoặc thực hiện cắt giảm chưa triệt để nhiệm vụ chi tương ứng theo quy định. Dẫn chứng, báo cáo Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trường hợp tại tỉnh Lâm Đồng. Địa phương này hụt thu so với dự toán Hội đồng Nhân dân giao nhưng thực hiện không triệt để việc cắt giảm các nhiệm vụ chi tương ứng dẫn tới trong năm địa phương phải chiếm dụng các nguồn khác để bù đắp không đúng chế độ 143 tỷ đồng.
Tương tự, tại Đăk Lăk, ngân sách cấp tỉnh hụt thu nhưng Ủy ban Nhân dân tỉnh chưa báo cáo Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh để cắt giảm các khoản chi tương ứng theo quy định.
Theo tính toán, 33/46 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn kinh phí với số tiền là 1.382 tỷ đồng trong đó riêng bổ sung chi thường xuyên sai quy định 265 tỷ đồng.
Các địa phương bị nhắc tên trong diện trên có thể kể tới: Tỉnh Đồng Nai (Thành phố Biên Hòa) 117 tỷ đồng; Khánh Hòa 57 tỷ đồng; Ninh Bình 26 tỷ đồng; Yên Bái 14 tỷ đồng; Lai Châu 8 tỷ đồng; Hà Nam 7 tỷ đồng; Thanh Hóa 5 tỷ đồng; Bắc Ninh 4 tỷ đồng; Hà Tĩnh 4 tỷ đồng,...
Đáng chú ý, cũng về chi ngân sách, đại diện Kiểm toán chỉ ra tình trạng cho vay, tạm ứng sai quy định, kéo dài nhiều năm chậm được khắc phục trong đó tạm ứng sai quy định 118 tỷ đồng ; cho vay (408 tỷ) đồng và đặc biệt tạm ứng quá hạn nhưng chưa được thu hồi lên tới 18.908 tỷ đồng.
Các địa phương bị điểm mặt trong diện này là: Thành phố Hồ Chí Minh (13.628 tỷ đồng); Đà Nẵng (309 tỷ đồng); Hải Phòng (234 tỷ đồng); tỉnh Quảng Ninh (202 tỷ đồng); Bình Phước (477 tỷ đồng); Kiên Giang (359 tỷ đồng);…
Kiểm toán Nhà nước đã tổng hợp 276 báo cáo tại 204 đơn vị (đầu mối, chủ đề) được kiểm toán trong năm 2016 đối với niên độ ngân sách năm 2015. Cụ thể, các đơn vị được kiểm toán là: 17 bộ, cơ quan Trung ương; 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 2 thành phố thuộc tỉnh; 59 dự án đầu tư; 21 chuyên đề; 29 đầu mối thuộc lĩnh vực doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tài chính ngân hàng; 20 đầu mối thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, các cơ quan Đảng; 8 cuộc kiểm toán hoạt động.