Ngày 15/11, tại Tổ hợp đa chức năng Incentra (Hà Nội-Moskva) ở thủ đô Moskva, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã tổ chức Hội thảo “Khai thác tiềm năng tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam-Trung Quốc-Nga.”
Khoảng 200 đại biểu tham gia từ 100 đầu cầu đã tham dự hội thảo theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến này, trong đó có Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi; Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam Nguyễn Huy Hiền; Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu Bộ Công Thương Việt Nam Trần Thanh Hải; Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc Lê Trung Kiên; Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh Đỗ Nam Trung; Phóng Thống đốc tỉnh Kaluga, Vladimir Potemkin; Tham tán Thương mại Nga tại Việt Nam Vyacheslav Kharinov, các đại diện của tập đoàn Đường sắt Nga (RZD), công ty cổ phần vận tải đường sắt RATRACO; Cục 16, Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nga; Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga - châu Á.
Sự kiện có mục đích tạo cơ hội để doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thể nắm bắt đầy đủ chi tiết hiện trạng hoạt động vận tải qua tuyến đường sắt liên vận Việt Nam-Trung Quốc-Nga, tiềm năng lớn của tuyến đường huyết mạch này trong bối cảnh tình hình địa chính trị thay đổi nhanh chóng như hiện nay, những điểm mạnh, hạn chế hiện hữu để phục vụ công tác lập kế hoạch, phối hợp để tăng cường quan hệ hợp tác giữa các nước trong thương mại.
Đường sắt nghiên cứu mở ga liên vận 'cõng' hàng hóa ở Hải Dương
Các đại biểu đã nghe tổng cộng 17 tham luận, trong đó phần lớn đều cho rằng tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam-Trung Quốc-Nga là hành lang vận tải có tiềm năng rất lớn.
Khi Việt Nam trở thành một trung tâm hậu cần ở Đông Nam Á, tuyến đường sắt này sẽ tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa an toàn hai chiều giữa Nga và Đông Nam Á.
Tuy nhiên do sự cạnh tranh của các tuyến vận tải đường biển cũng như hạ tầng cơ sở đường sắt vẫn còn hạn chế của nước ta, hiện khối lượng vận tải hàng hóa từ Việt Nam sang Nga ở mức thấp, do đó các bên cần chung tay phát triển tuyến liên vận này trở thành tuyến đường thay thế các tuyến vận tải đường biển từng bị tắc nghẽn.
Trung bình mỗi năm có khoảng 1.500 container được vận chuyển bằng đường sắt từ Việt Nam sang Nga. Tuy nhiên do tình hình kinh tế khó khăn, năm 2022, khối lượng vận tải bằng đường sắt từ Việt Nam sang Nga giảm xuống còn 1015 container, và trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng lưu lượng 2 chiều bằng đường sắt chỉ còn 555 container.
Giá cước vận tải đường sắt hiện cũng cao hơn nhiều so với vận tải bằng đường biển: khoảng 7.000 USD/container từ Việt Nam tới Nga với khoảng 5.000 USD bằng đường biển cho cùng chiều vận chuyển.
Đại sứ Đặng Minh Khôi đánh giá Hội thảo là đặc biệt có ý nghĩa và kịp thời trong bối cảnh hiện nay và tiềm năng của tuyến đường sắt liên vận quốc tế này là rất lớn trong khi những khó khăn vướng mắc hiện nay chủ yếu mang tính kỹ thuật và có thể giải quyết thông qua một cơ chế hợp tác ba bên.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, ông Roman Andropov, Người đứng đầu Bộ phận phát triển kinh doanh tại Việt Nam của công ty cổ phần “Hậu cần Đường sắt Nga” cho biết tập đoàn “Đường sắt Nga” (RZD) vẫn nỗ lực tối đa để duy trì và tăng cường khối lượng vận chuyển bằng đường sắt.
Đề cập đến những vướng mắc hiện nay, theo ông, cả ba nước cần hợp tác chặt chẽ hơn để nêu bật và tận dụng các ưu thế về thời gian vận chuyển và mức độ an toàn của phương thức vận tải này.