Tối 2/11, Hội đồng doanh nghiệp Australia-Việt Nam (AVBC) đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Tiềm năng nuôi trồng thủy sản kết hợp với thủy canh (Aquaponics) ở Australia và Việt Nam."
Hội thảo thu hút khoảng 50 người tham dự, bao gồm cả doanh nghiệp Australia và doanh nghiệp của cộng đồng người Việt tại thành phố Sydney, bang New South Wales.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch AVBC, Laurence Strano, nhấn mạnh rằng quan hệ kinh tế giữa Australia và Việt Nam đã trải qua 26 năm và có tính bổ sung cao. Hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực thương mại, bao gồm các dự án, thỏa thuận hợp tác và phát triển chung cũng như trong đổi mới và thương mại hóa.
Trong số đó, AVBC và các cơ quan Chính phủ Việt Nam cũng đã có một số thỏa thuận, đáng chú ý là các dự án liên quan đến Nuôi trồng thủy sản kết hợp với thủy canh và Nuôi trồng thủy sản quy mô lớn.
Tại buổi hội thảo, tiến sỹ Wilson Lennard, Giám đốc Giải pháp Nuôi trồng thủy sản kết hợp với thủy canh, cho biết Aquaponics là một hệ thống sản xuất thực phẩm bằng cách phối hợp giữa nuôi trồng thủy sản thông thường (nuôi các loại thủy sản như ốc, cá, tôm trong bể) với thủy canh (trồng cây trong nước) trong một môi trường cộng sinh.
Trong nuôi trồng thủy sản thông thường, chất bài tiết từ các loài động vật thải ra có thể tích lũy trong nước làm tăng độc tính của nước. Nhưng trong một hệ thống Aquaponics, nước từ một hệ thống nuôi thủy sản được đưa vào một hệ thống thủy canh, ở đó những sản phẩm phụ sẽ bị các vi khuẩn nitrat hóa phân hủy thành các nitrat và nitrit, là những dưỡng chất được cây trồng hấp thụ. Sau đó, nước được tái lưu thông trở lại hệ thống nuôi thủy sản.
Ông Lennard chia sẻ Australia bắt đầu nghiên cứu và ứng dụng Nuôi trồng thủy sản kết hợp với thủy canh vào đầu những năm 2000. Năm 2005, ông cùng các đồng nghiệp đã xây dựng trang trại Nuôi trồng thủy sản kết hợp với thủy canh thương mại đầu tiên ở Kinglake, bang Victoria.
Theo ông, đến nay Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về nuôi trồng thủy sản kết hợp với thủy canh thương mại; châu Âu đang phát triển mô hình này với một vài trang trại đã được xây dựng và đi vào hoạt động; Chính phủ Australia cũng có những kế hoạch phát triển mô hình thương mại, trong khi Việt Nam và nhiều nền kinh tế trong APEC chưa thực sự quan tâm đến mô hình này.
Ông Lennard cho biết ở Việt Nam có khoảng 26,9 triệu hộ gia đình làm nông nghiệp và nếu 3% trong số đó áp dụng mô hình với khoảng đầu tư mỗi hộ là 500 AUD (khoảng 385,6 USD), thị trường tiềm năng của Việt Nam sẽ đạt tới 403,5 triệu AUD.
Ông nhấn mạnh đây là một tiềm năng rất lớn để thiết lập một ngành công nghiệp quan trọng ở Việt Nam bởi ngành này không những tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng, mà còn giúp duy trì an ninh lương thực đồng thời cải thiện môi trường.
[Nâng kim ngạch thương mại Việt Nam-Australia lên trên 5 tỷ USD]
Theo ông Lennard, điều quan trọng là mô hình này sẽ cung cấp thực phẩm sạch, có lượng protein cao cho người dân Việt Nam.
Kết thúc hội thảo, Chủ tịch Laurence bày tỏ hy vọng AVBC sẽ được đón tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong một cuộc hội thảo doanh nghiệp giữa hai nước nhân dịp Thủ tướng Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt giữa Australia và ASEAN vào tháng 3/2018.
AVBC là đơn vị có quan hệ tốt và cộng tác tích cực với các cơ quan chính phủ của Việt Nam, trong đó có Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán, Văn phòng thương mại và Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia./.