Khai thác thủy sản bền vững, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế

Theo Quy hoạch Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi Thủy sản, đến năm 2050, Việt Nam có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, tương đương các nước có nghề cá phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Khai thác thủy sản bền vững, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế ảnh 1Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Ngày 18/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi Thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Phát triển bền vững nghề cá

Đây là 1 trong 4 quy hoạch ngành quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lập. Mục tiêu của Quy hoạch nhằm bảo vệ, bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản trên các loại hình thủy vực và bảo tồn đa dạng sinh học biển, góp phần thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược Phát triển bền vững Kinh tế Biển Việt Nam.

Đồng thời phát triển, khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu của hội nhập quốc tế; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo đảm an sinh xã hội...

Về mục tiêu cụ thể theo Quy hoạch, đến năm 2030, có 27 khu bảo tồn biển được thành lập và hoạt động hiệu quả với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn khoảng 454.676ha. Trong số 27 khu bảo tồn biển, có 2 vườn quốc gia, 12 khu dự trữ thiên nhiên và 13 khu bảo tồn-sinh cảnh.

Có 149 khu vực ở vùng biển và 119 khu vực vùng nội địa được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản và quản lý hiệu quả nhằm bảo vệ khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non, khu vực tập trung sinh sống của các loài thủy sản.

Dự kiến, đến năm 2030, tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt khoảng 2,8 triệu tấn so với mức 3,86 triệu tấn của năm 2022 (giảm hơn 1 triệu tấn); số tàu cá khoảng 83.600 chiếc, giảm hơn 300.000 tàu so với hiện nay; tổng lao động khoảng 600.000 người, giảm 130.000 lao động so với hiện nay.

Cùng với đó, hoàn chỉnh hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thành một hệ thống liên hoàn, liên vùng nhằm đáp ứng nhu cầu neo đậu, dịch vụ hậu cần nghề cá.

Dự kiến đến năm 2030, toàn quốc có 172 cảng cá và 161 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; tiếp tục tập trung đầu tư 5 trung tâm nghề cá lớn tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang gắn với các ngư trường trọng điểm và Trung tâm Phát triển thủy sản Cần Thơ gắn với vùng nuôi trồng thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long.

[Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về thủy sản, phát triển quy mô lớn]

Đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, tương đương với các nước có nghề cá phát triển trong khu vực và trên thế giới; đa dạng sinh học biển và nước ngọt được bảo tồn và phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; góp phần bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.

Bảo đảm tính khả thi của Quy hoạch

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến, tập trung vào một số vấn đề về công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn, bảo vệ các loài thủy sản và hệ sinh thái thủy sản.

Phát triển, khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu của hội nhập quốc tế; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo đảm an sinh xã hội...

Khai thác thủy sản bền vững, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế ảnh 2Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Bên cạnh đó là khắc phục tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp; giảm cách thức tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ dẫn đến năng suất, hiệu quả chưa cao...

Cũng tại cuộc họp, Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị cần làm rõ tính khả thi trong việc huy động nguồn vốn ngân sách cho giai đoạn 2021-2025 để thực hiện Quy hoạch.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, thành viên Hội đồng thẩm định, các hợp phần riêng rẽ trong bộ hồ sơ đều được chuẩn bị cẩn thận, có cấu trúc phù hợp với yêu cầu, dễ theo dõi, có căn cứ khoa học và thực tiễn.

Báo cáo tổng hợp quy hoạch đã chỉnh sửa nghiêm túc trên cơ sở tự rà soát và tiếp thu ý kiến phản biện.

Báo cáo quy hoạch đã được hoàn thiện, làm rõ được tính cần thiết phải lập quy hoạch này với các căn cứ chính trị và pháp lý đầy đủ. Hệ thống quan điểm, các mục tiêu, các phương án, định hướng quy hoạch và các giải pháp cơ bản đầy đủ, có tính khả thi.

Hệ thống bản đồ phong phú, nội dung đầy đủ và được trình bày rõ ràng, bảo đảm đúng quy định kỹ thuật về bản đồ, có giá trị minh họa cho quy hoạch và cung cấp căn cứ để triển khai cụ thể sau khi quy hoạch được phê duyệt.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao cơ quan trình là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng Quy hoạch theo đúng quy trình, quy định của pháp luật về quy hoạch.

Bộ đã rất cầu thị trong việc tiếp thu ý kiến, trong đó có việc mời các thành viên có ý kiến khác thảo luận để đi đến thống nhất giải pháp phù hợp.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trên cơ sở góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định tại cuộc họp, tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch trên nguyên tắc phải bảo đảm phù hợp, không xung đột với với các quy hoạch khác đang có giá trị hiện hành, bảo đảm tuân thủ đúng những nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Quy hoạch cần có danh mục dự án được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và cụ thể hơn; xác định rõ hơn khả năng huy động nguồn vốn giai đoạn 2021-2025 để bảo đảm tính khả thi ngay sau khi Quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo Luật Quy hoạch năm 2017, hệ thống quy hoạch quốc gia có tổng số 110 quy hoạch, trong đó có 41 quy hoạch cấp quốc gia, 6 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục