Vì tầm quan trọng của việc bảo vệ các dòng sông, mang tính sống còn tới sự phát triển và thịnh vượng của đất nước, sáng 7/10, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Cựu Đại biểu Quốc hội và Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) phối hợp tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên nước bền vững.”
Theo ông Vũ Mão, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu Đại biểu Quốc hội, tài nguyên nước là nền tảng cơ bản để phát triển kinh tế-xã hội, mọi hoạt động phát triển phải dựa trên khả năng thực tế của nguồn nước, phù hợp với các xu thế diễn biến nguồn nước trong tương lai.
Do đó giải quyết vấn về tài nguyên nước, bảo đảm khai thác, sử dụng là cần thiết để đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội bền vững ở Việt Nam trong bối cảnh nêu trên, điều này đòi hỏi phải có cách nhìn nhận mới về cách thức quy hoạch, sử dụng nguồn nước. Từ đó đề xuất định hướng quản lý, sử dụng tài nguyên nước nhằm phát triển bền vững.
Mục tiêu hội thảo này sẽ nhằm kết nối sự tham gia của các thành viên Câu lạc bộ Cựu Đại biểu Quốc hội với Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) về quy hoạch khai thác thác sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên nước bền vững.
[Nghiên cứu giải pháp tổng thể trữ nước tại Đồng bằng sông Cửu Long]
Nhấn mạnh vai trò của các bên liên quan với ô nhiễm nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tại các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh nói riêng, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Điều phối viên Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho rằng các cộng đồng tham gia vào một số dự án của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tài nguyên nước đến từ các tỉnh khác nhau như xã Phong Thạch (Bạc Liêu); xã Thới Thạch (Cần Thơ) đã được hỗ trợ từ một số tổ chức để triển khai thành công mô hình cộng đồng bảo tồn nguồn nước thông qua mô hình đồng quản lý trong nuôi tôm quảng canh theo tiêu chuẩn Viet Gap; thực hiện cộng đồng bảo tồn nguồn nước thông qua sản xuất từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa và 1 vụ cá…
Nhóm thanh niên Vĩnh Long và Bến Tre xử lý ô nhiễm và thiếu nước thông qua mô hình lọc nước sinh học bằng cây chùm ngây và mô hình tiết kiệm nước.
Chính vì vậy, thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát có sự liên kết vùng, vai trò nhà nước và người dân cùng làm trong quản lý tài nguyên nước và ứng phó với biến đổi khí hậu và tác động của thay đổi môi trường từ các dự án phát triển ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đại diện Cộng đồng tại Sóc Trăng, Trà Vinh chia sẻ, trong vài năm trở lại đây, Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với thời tiết bất thường, nắng gắt hơn, hạn hán kéo dài do thời tiết diễn biến thất thường, nguồn nước bị ô nhiễm và thiếu hụt, sinh kế ảnh hưởng.
Điều đó thúc đẩy các cộng đồng tại các địa phương chịu ảnh hưởng như Trà Vinh và Sóc Trăng tìm ra các giải pháp mô hình thích ứng với sự thay đổi môi trường và ô nhiễm nguồn nước như sử dụng màng lọc sinh hoạt để lọc nước, tiết kiệm nước mặt, tận dụng nước mưa, các mô hình bảo tồn nước và hệ sinh thái…
Bên cạnh đó, ưu tiên tìm ra các giải pháp khoa học công nghệ để giải quyết vấn đề ô nhiễm, các giải pháp xây dựng ngăn chặn sạt lở, các mô hình quan trắc, thông báo; nghiên cứu những mô hình áp dụng nông nghiệp thông minh đến cho địa phương.
Các đại biểu tham gia đã đề xuất những kiến nghị nhằm thúc đẩy sự tham gia của hệ thống chính trị trong việc khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên nước bền vững; nội dung kiến nghị vai trò của người dân, của cộng đồng; trách nhiệm của các nhà quản lý khu công nghiệp, các doanh nghiệp; trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ./.