Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở cuối châu thổ sông Mekong, có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Song, đây cũng là một trong những vùng đồng bằng trên thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Trong bối cảnh đó, quy hoạch, bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên nước đang chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề quan trọng, góp phần phát triển bền vững cho vùng đồng bằng châu thổ.
Nước - nguồn tài nguyên cần bảo vệ
Đề cập về nguồn tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều chuyên gia đã phân tích, đối với tài nguyên nước mặt, vùng đồng bằng châu thổ có hệ thống sông suối, kênh rạch chằng chịt bao gồm sông Tiền và sông Hậu, phân lưu ra các cửa sông kế tiếp nhau là sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông, sông Ba Lai, sông Cửa Đại và Cửa Tiểu, sông Hậu qua cửa Định An và Trần Đề.
Còn đối với tài nguyên nước dưới đất, Đồng bằng sông Cửu Long chính là một trong các vùng có tiềm năng nước dưới đất lớn nhất Việt Nam, gồm 7 tầng chứa nước chính, chiều sâu phân bố từ vài chục mét đến 500-600m.
[Nghị quyết 'thuận thiên': Định hình phát triển đồng bằng sông Cửu Long]
Các khu vực tiềm năng nguồn nước ngọt (hay còn gọi là nước nhạt) lớn gồm Bạc Liêu, Long An, Đồng Tháp, Cà Mau, Trà Vinh, Cần Thơ.
Trữ lượng khai thác tiềm năng nước ngọt khoảng 22,5 triệu m3/ngày, trữ lượng tiềm năng nước lợ, mặn khoảng 39 triệu m3/ngày. Trong đó, trữ lượng khai thác an toàn nước ngọt toàn vùng khoảng 4,5 triệu m3/ngày.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như khai thác chưa hợp lý cùng với tác động của biến đổi khí hậu, khu vực Đồng bằng bằng sông Cửu Long có những dấu hiệu, nguy cơ suy giảm mực nước, gia tăng xâm nhập mặn và sụt lún nền đất xảy ra cục bộ.
Số liệu từ Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy biến đổi khí hậu, thiên tai tại Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn.
Chỉ tính riêng trong mùa khô năm 2019-2020, trên 160 công trình cấp nước tập trung bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn khiến khoảng 430.000 người dân trong vùng gặp khó khăn về nước sinh hoạt.
Đồng bộ các giải pháp
Đề cập đến việc quản lý, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên nước, Phó Giáo sư Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội cấp thoát nước Việt Nam, khẳng định trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, việc quản lý khai thác nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước.
Trong những năm qua, với sự đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ có hiệu quả của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân, nhiều công trình xử lý nước sạch đã được tập trung đầu tư xây dựng cả ở khu vực đô thị và nông thôn, tỷ lệ người dân được cung cấp nước sạch được tăng lên hàng năm.
Mỗi địa phương trong vùng cũng đã có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước.
Theo ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, là một trong 13 địa phương của Đồng bằng sông Cửu Long, có lượng mưa thuộc loại thấp trong vùng, nguồn nước chính cho sinh hoạt, sản xuất của người dân Bến Tre chủ yếu là từ các sông rạch, giồng cát, nước ngầm.
Trữ lượng nước ngầm của tỉnh thấp và có chất lượng trung bình, phần lớn phân bố ở độ sâu 200m. Nguồn nước mặt dồi dào nhưng do ở cuối nguồn, giáp biển nên bị nhiễm mặn vào các tháng mùa khô.
Tỉnh Bến Tre đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp công trình và phi công trình để ngăn mặn, trữ nước ngọt trên địa bàn.
Tỉnh đã đầu tư khép kín các công trình thủy lợi, hạn chế xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Tỉnh tiến hành thi công các công trình ngăn mặn trên địa bàn các huyện và thành phố trực thuộc để đảm bảo cung cấp đủ nước ngọt trong mùa khô 2020-2021 và sớm khép kín toàn bộ hệ thống thủy lợi phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt về lâu dài.
Liên quan đến giải pháp tạo nguồn trữ nước tại chỗ thông qua hệ thống các công trình thủy lợi, tỉnh Bến Tre đã hoàn thành hồ chứa nước ngọt kênh Lấp với sức chứa khoảng 2,3 triệu m3 nước.
Ngoài ra, theo dự kiến đến năm 2025, Các dự án thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh được hoàn thành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu cung cấp nước thô cho các nhà máy cấp nước ở tỉnh.
Trong khi đó, theo lãnh đạo thành phố Cần Thơ, trên cơ sở đánh giá hiện trạng nguồn nước mặt và dự báo nhu cầu sử dụng trong tương lai, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường năng lực quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước.
Về giải pháp kỹ thuật, thành phố thường xuyên điều tra, đánh giá tài nguyên nước, nâng cấp mạng lưới quan trắc và theo dõi, đánh giá diễn biến tài nguyên nước, xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng khai thác và sử dụng.
Thành phố đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ về bảo vệ, khai thác và sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên nước.
Còn với tỉnh Đồng Tháp, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ quan đơn vị chức năng phối hợp thực hiện việc điều tra cơ bản, thống kê, lưu trữ số liệu tài nguyên nước trên địa bàn; khoanh định và công bố vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng cần bổ sung nhân tạo nước dưới đất và công bố dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất theo thẩm quyền, khu vực cấm, tạm cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông; đồng thời công bố danh mục ao, hồ, đầm phá không được san lấp.
Trong năm 2020, Đồng Tháp đã hoàn thành Đề án “Bảo vệ nước dưới đất tại thành phố Cao Lãnh và nâng cấp, cải tạo một số trạm quan trắc trên địa bàn tỉnh.”
Kết quả của đề án dược sử dụng đối với công tác quản lý, cấp phép tài nguyên nước và phục vụ việc quan trắc tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.
Tại Đại hội XIII của Đảng vừa qua, tham luận về vấn đề phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có việc tiếp tục có những nghiên cứu khoa học đề ra giải pháp tối ưu và có sự đầu tư kịp thời cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu và sự suy giảm về số lượng, chất lượng nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, nhất là sự thay đổi giảm lưu lượng, dòng chảy của sông Mekong và tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến phức tạp./.