Bên cạnh những cơ hội lớn từ xu thế chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của thế giới, ngành dệt may Việt Nam hiện vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết.
Tận dụng hiệu quả những tiềm năng này với nhiều giải pháp đồng bộ sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam chuyển dịch đúng hướng, thích ứng kịp thời với mọi biến động của tình hình kinh tế-chính trị của thế giới.
Còn nhiều tiềm năng
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VINATEX), Việt Nam được các đối tác đánh giá là quốc gia có môi trường kinh doanh thuận lợi với sự ổn định về kinh tế-chính trị. Hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện. Năng lực sản xuất tốt với đội ngũ lao động kỹ thuật cao, đáp ứng được các đơn hàng khó, yêu cầu chất lượng cao luôn là một lợi thế của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi làm việc với các đối tác.
Bà Lê Nguyên Trang Nhã, Ủy viên Ban chấp hành Hội Dệt May thêu đan thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc công ty Viking Việt Nam, cho biết Việt Nam hiện còn có rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác, tận dụng hiệu quả từ tái chế rác thải và bán thô nguyên liệu dệt may.
Hiện đã có những doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan đầu tư, xây dựng nhà máy tại Việt Nam để thu mua, tái chế rác thải thành xơ sợi xuất sang Trung Quốc. Sau đó, các nhà máy Việt Nam lại nhập xơ sợi dệt đã được tái chế đó về. Hoặc như ở Tây Nguyên, bà con nông dân trồng dâu nuôi tằm, bán kén thô qua Trung Quốc. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam lại phải nhập sợi hoặc vải tơ tằm từ Trung Quốc về.
Theo bà Phan Thị Quỳnh Chi, Chuyên gia dự án cao cấp của tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Việt Nam hiện đứng trong tốp 3 của chuỗi cung ứng dệt may, da giày toàn cầu nên lượng phế cắt từ hai ngành là rất lớn, lên đến khoảng 300.000 tấn/năm. Nhưng tỷ lệ tái chế ở Việt Nam còn khá khiêm tốn so với Ấn Độ, Trung Quốc.
Bà Chi cho biết ông Adrian Jones, chuyên gia Ấn Độ, đồng sáng lập BlockTexx- công ty chuyên tái chế hàng dệt may, có chia sẻ Việt Nam còn lãng phí phế cắt của dệt may. Việc tái chế ở Việt Nam là tái chế hạ cấp chứ chưa phải là tái chế khép kín. Trong khi đó, Ấn Độ đã làm tái chế khép kín.
Theo chuyên gia này, hiện chưa thể tái chế khép kín 100% phế của dệt may, nhưng nếu những phế ban đầu có chất lượng đủ tốt thì có thể làm được tái chế khép kín.
Theo bà Chi, GIZ đã tiếp rất nhiều các đơn vị cung cấp công nghệ, giải pháp và họ đang nhìn nhận Việt Nam rất có tiềm năng và lợi thế để đầu tư tái chế khép kín. Một doanh nghiệp làm tái chế đã 20 năm chia sẻ với bà Chi, bao nhiêu vất vả, bẩn thỉu, công nhân Việt Nam làm hết. Phần ngon lành với giá trị thặng dư cao, nước ngoài họ lại hưởng. Doanh nghiệp đó đã đặt câu hỏi, vậy tại sao các doanh nghiệp và các bên liên quan không làm việc với nhau để nâng hạ tầng tái chế của Việt Nam lên, chủ động đón đầu xu hướng của thế giới.
Theo bà Chi, kinh tế tuần hoàn hiện thời không còn là xu thế mà đã là hành động cụ thể. Những hoạt động như nghiên cứu biến phế phụ phẩm thành vật liệu hay các hoạt động tái chế đều là những hành động thiết thực. Tiềm năng của Việt Nam rất lớn nên chắc chắn sẽ có nhiều hoạt động và dự án tài trợ cho việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Về khả năng sáng chế, theo ông Chu Mạnh Quân, Chuyên gia tư vấn của công ty Anfazi, công ty chuyên tư vấn quản trị tài sản trí tuệ, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về sáng chế. Một số sáng chế của Việt Nam đã được cấp bằng bảo hộ hoặc đang chờ thẩm định như phương pháp nhuộm vải bông tự nhiên bằng dung dịch chiết từ lá bàng; phương pháp và hệ thống xử lý nước thải dệt nhuộm; quy trình chế tạo vải olyeste-cotton chống cháy; quy trình sản xuất vải từ sợi dứa, sợi chuối; dây chuyền sản xuất vải không dệt bằng sợi thực vật; quy trình sản xuất vải sử dụng nylon tái chế...
Về lĩnh vực chuyển đổi số, theo ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội tin học thành phố Hồ Chí Minh, hiện có rất nhiều nền tảng và giải pháp của các doanh nghiệp công nghệ Việt phù hợp với các doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ, thay vì phải sử dụng công nghệ rất đắt tiền của nước ngoài. Các giải pháp của các doanh nghiệp công nghệ Việt có thể đo được năng lượng tiêu thụ của từng động cơ, tính được giá thành trên từng dây chuyền. Theo đó, doanh nghiệp hoàn toàn có thể điều độ được sản xuất phù hợp, vừa tiết kiệm năng lượng, vừa có giá thành tốt nhất.
Đồng bộ các giải pháp
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), để tận dụng được lợi thế từ những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải đáp ứng quy tắc xuất xứ "từ sợi trở đi” hoặc "từ vải trở đi." Do vậy, đầu tư vào phần cung thiếu hụt là nhu cầu bức thiết và là giải pháp mang tính chất quyết định đối với của ngành dệt may Việt Nam trên con đường phát triển bền vững.
Trước mắt, để giải bài toán cân đối giữa tồn tại và bền vững trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn khó lường, doanh nghiệp cần tái cơ cấu, sắp xếp lại quy trình sản xuất; bổ sung dây chuyền công nghệ sản xuất được các đơn hàng nhỏ lẻ, kịp thời thích ứng yêu cầu của các nhà mua hàng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể chuyển mình từng bước từ tự động hóa các khâu đơn giản đến sản xuất thông minh; nỗ lực nâng cao chất lượng, tiết giảm chi phí, đặc biệt là khâu sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường.
Kinh nghiệm của hiệp hội cho thấy trong thời kỳ cực kỳ khó khăn do đại dịch COVID-19, những doanh nghiệp nhạy bén, đa dạng thị trường, đa dạng sản phẩm vẫn có được đơn hàng, thậm chí cả những đơn hàng rất khó đã giúp họ vượt qua được khó khăn, tiếp tục tồn tại và phát triển.
Tư vấn từ góc độ tổ chức hợp tác quốc tế, bà Phan Thị Quỳnh Chi cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm và tập trung vào 300.000 tấn phế cắt/năm từ các nhà máy dệt may và da giày.
Theo bà Chi, tái chế là bài toán vô cùng phức tạp cả về chính sách, các bên liên quan và công nghệ. Việc tái chế phải từng bước hướng đến tái chế khép kín, không phải là làm 100% ngay, mà bắt đầu từ 1% rồi nâng dần lên.
Để làm được việc đó, cần có sự liên kết chuỗi, thúc đẩy quan hệ đối tác trong và ngoài nước để xây dựng hạ tầng tái chế công nghiệp quốc gia. Vì nếu phế thải công nghiệp đi qua quá nhiều công đoạn tạm gọi là “phế thải đồng nát” sẽ không đủ chuẩn, chất lượng và minh bạch để tái chế khép kín.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Mai Hương, Trưởng Phòng quản trị Thương hiệu-Truyền thông, giảng viên phụ trách Trung tâm công nghệ dệt Ý-Việt (dự án hợp tác giữa Chính phủ, Thương vụ Italy và Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh), để hướng đến phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần xem xét trên toàn bộ chuỗi cung ứng.
Nếu doanh nghiệp không quan tâm ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào, sẽ không có được câu chuyện toàn vẹn trong việc tái chế dệt may. Do vậy, để sản xuất bền vững, doanh nghiệp cần tuân theo các nguyên tắc bền vững của ISO và các tiêu chuẩn quản lý môi trường khác. Phương pháp tiếp cận là lựa chọn nguyên liệu thô và quy trình thân thiện với môi trường, đánh giá được vòng đời sản phẩm (LCA) và khả năng tái chế.
Ngoài ra, theo bà Hương, không thể bắt các nhà sản xuất chọn phương án sản xuất đắt hơn nếu không có động lực từ thị trường. Ngoài trách nhiệm của nhà sản xuất, còn có trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức độc lập, các nhà nghiên cứu, người tiêu dùng để hỗ trợ, tạo động lực cho các doanh nghiệp chuyển đổi. Trong số đó, các nhà nghiên cứu cần đưa ra nhiều phương án để doanh nghiệp có thể lựa chọn.
Theo ông Lê Tiến Trường, để xanh hóa ngành dệt may các doanh nghiệp cần áp dụng những phương pháp sản xuất xanh, lựa chọn nguyên liệu xanh để tạo ra sản phẩm dệt may bền vững hơn, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Làm được điều này không chỉ giúp cải thiện hình ảnh thương hiệu mà còn mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Ông mong muốn Chính phủ thể chế hóa các tiêu chuẩn xanh trong ngành dệt May với lộ trình và mục tiêu cụ thể, gắn với vai trò của các bên liên quan, có thể đo lường được; đồng thời, có các cơ chế tài chính phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế xanh trên thế giới như cơ chế hợp tác công tư, cơ chế tài chính xanh, ... để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tốt lộ trình chuyển đổi.
Về công nghệ, trước hết, cần tập trung vào nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ xanh như năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng và nước, quản lý tài nguyên, xử lý chất thải. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác với các đối tác để học hỏi, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong ngành dệt may.
Về phía doanh nghiệp, cần đẩy mạnh xây dựng các chương trình tự đào tạo và hợp tác với các cơ sở đào tạo để đào tạo nguồn cho sản xuất; xây dựng mạng lưới liên ngành/liên doanh nghiệp cùng chia sẻ kiến thức, kỹ năng, thực hành xanh hóa sản xuất; đẩy mạnh chiến dịch truyền thông để làm nổi bật các khía cạnh tuần hoàn của sản phẩm, quảng bá thương hiệu dệt may Việt Nam phát triển bền vững./.
Bài 1: Thách thức và cơ hội đan xen của ngành Dệt May Việt Nam
Đơn hàng tích cực từ quý 3 và 4: Ngành dệt may kỳ vọng tăng trưởng từ 8-10%
Năm 2024, đơn hàng ngành may không quá khó khăn, đa phần các doanh nghiệp có đơn hàng đến tháng 9, 10 và được ký dài hơn. Tuy vậy, về giá vẫn bị tác động từ năm 2022-2023, trong đó nhiều mã giảm sâu.