Khai thác hiệu quả nguồn lực văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhờ các chính sách bảo tồn, phát huy di sản văn hoá truyền thống, các giá trị văn hoá gắn với đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc được phục dựng, tổ chức thường xuyên trong cộng đồng.
Các em học sinh tại tỉnh Kon Tum tái hiện Lễ mừng lúa mới tại Hội diễn cồng chiêng, múa xoang học sinh các trường Phổ thông dân tộc nội trú, Phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu nêu rõ những kết quả đã đạt được và những mục tiêu cần ưu tiên thực hiện tốt trong thời gian còn lại.

Một trong những điểm Tổng Bí thư đề cập đến là việc ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới...

Ưu tiên bố trí nguồn lực cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Thanh (Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam) thông tin cho biết các chính sách dân tộc trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trong những năm qua đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đến năm 2021 đã hỗ trợ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc thiểu số, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt được xếp hạng, 8 di tích lịch sử-văn hóa, danh lam, thắng cảnh được xếp hạng di tích cấp quốc gia, 126 di sản văn hóa phi vật thể ở 31 tỉnh thành trên cả nước được xếp hạng, 276 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú…

Đối với các dân tộc thiểu số rất ít người, Nhà nước đã hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất nhạc cụ, trang phục truyền thống tại 89 bản; hỗ trợ cấp trang thiết bị cho 19 nhà sinh hoạt cộng đồng tại 19 bản; hỗ trợ duy trì 271 đội văn nghệ thôn/bản.

Đặc biệt, một số mô hình phát triển du lịch gắn với với bảo tồn và phát triển văn hóa đã được thực hiện ở một số tộc người như mô hình làng du lịch cộng đồng của người Lô Lô ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, Đồng Văn; của người Dao Áo Dài ở thôn Nậm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang; tại xã Kim Cúc, huyện Bảo lạc, tỉnh Cao Bằng… Gần 100 % số xã vùng dân tộc, miền núi có nhà văn hóa hoặc bưu điện văn hóa, nhiều thôn/bản có nhà sinh hoạt cộng đồng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ  Nguyễn Ngọc Thanh, nhìn chung, các hoạt động văn hóa diễn ra trong thời gian qua góp phần quan trọng vào quá trình bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tộc người.

Nghi lễ Cấp Sắc của người Dao Chàm tại Hà Giang. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Dưới tác động của các chính sách bảo tồn, phát huy di sản văn hoá truyền thống, các giá trị văn hoá gắn với đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc được phục dựng, tổ chức thường xuyên trong cộng đồng.

Nhiều phong tục, tập quán gắn với lối sống truyền thống của các tộc người thiểu số được gạn đục, khơi trong, phù hợp với sự phát triển của kinh tế-xã hội. Các chính sách về văn hóa bước đầu góp phần bảo tồn và phát huy được giá trị cho phát triển.

Tuy vậy, vẫn còn các chính sách, chương trình, đề án tồn tại bất cập chưa giải quyết được tận gốc của vấn đề, điều này tạo ra một số tác động không mong muốn đối với các tộc người thụ hưởng chính sách...

Phát huy các nguồn lực văn hóa cho phát triển

Giáo sư, Tiến sỹ Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nêu rõ có thể nói, đến nay hệ thống chính sách phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm, từ đó góp phần thúc đẩy công cuộc bảo tồn, phát huy, khai thác các nguồn lực văn hóa phục vụ cho phát triển.

Theo thống kê, giai đoạn  2011-2018 đã có 205 chính sách được ban hành và đến tháng 10/2020 còn 118 chính sách được triển khai. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 và mới đây là Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021) đều có những nội dung liên quan mật thiết đến công cuộc bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số.

Mới đây nhất, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 1719/QĐ-TTg), trong đó giai đoạn 1 từ năm 2021-2025.

Toàn bộ Dự án số 6 dành cho việc “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” gồm các hợp phần: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

[Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chấn hưng và phát triển văn hóa dân tộc]

Vốn thực hiện dự án 6 là rất lớn trong bối cảnh ngân sách đầu tư cho phát triển văn hóa nói chung còn hạn hẹp hiện nay.

Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 2579/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số rất ít người năm 2022.

Tuy nhiên, Giáo sư, Tiến sỹ Từ Thị Loan đã thẳng thắn chỉ ra không ít hạn chế, vướng mắc. Việc hoạch định, xây dựng và ban hành chính sách còn nhiều bất cập; hiệu quả thực thi chính sách chưa cao.

Biểu diễn điệu múa khèn của đồng bào dân tộc Mông. (Ảnh: Khánh Hoà/TTXVN)

Một số chính sách thiếu cụ thể, chưa phù hợp với thực tiễn; đánh giá, tổng kết, điều chỉnh chính sách còn chậm. So với mặt bằng phát triển chung của cả nước, vùng đồng bào dân tộc thiếu số vẫn là vùng chậm phát triển nhất. Đây chính là một trong những điểm nghẽn mấu chốt cần được sớm tháo gỡ để thay đổi hiện trạng...

Giáo sư, Tiến sỹ Từ Thị Loan nêu một số giải pháp để đẩy mạnh khai thác, phát huy các nguồn lực văn hóa phục vụ cho phát triển, trong đó, việc đầu tiên cần làm là tiếp tục hoàn thiện thể chế văn hóa, rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật bám sát yêu cầu thực tiễn.

Việc hoạch định chính sách phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội, đặc trưng văn hóa, điều kiện cư trú, tâm lý tính cách dân tộc của từng vùng, miền, địa phương, từ đó mới phát huy được tiềm năng, lợi thế và tinh thần tự lực của từng cộng đồng. Bên cạnh việc ban hành chính sách cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến chính sách và thực thi nghiêm túc.

Tuy đã có chính sách ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng nguồn đầu tư từ ngân sách của Nhà nước vẫn khá là hạn hẹp so với nhu cầu thực tiễn. Do vậy, bên cạnh các nguồn đầu tư công, cần đẩy mạnh huy động các nguồn vốn xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức và cộng đồng chung tay bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa...

Bên cạnh việc được Nhà nước ưu tiên đầu tư, có các chính sách đặc thù rất cần khơi thông các nguồn lực, phát huy các thế mạnh tự có, tinh thần chủ động, sáng tạo của các chủ thể văn hóa. Làm sao để bản thân người dân địa phương có thể biến di sản thành tài sản, biến các giá trị bản sắc thành sản phẩm văn hóa phục vụ cho phát triển./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục