Khai thác đa dạng tiềm năng, tăng sức hút cho du lịch Cà Mau

Ở cực Nam đất nước, Cà Mau có nhiều hệ sinh thái đặc trưng như rừng ngập mặn, rừng tràm trên đất ngập nước than bùn... thuận lợi phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Khách du lịch trải nghiệm đặt lú bắt cua dưới vuông tôm tại điểm du lịch cộng đồng của ông Trần Văn Hướng (ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau). (Ảnh: Kim Há /TTXVN)

Ở cực Nam đất nước, Cà Mau có nhiều hệ sinh thái đặc trưng như: rừng ngập mặn, rừng tràm trên đất ngập nước than bùn... thuận lợi phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Đây còn là vùng đất hội tụ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, giàu truyền thống lịch sử cách mạng, tạo tiềm năng hình thành các sản phẩm du lịch gắn di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, làng nghề.

Từ thế mạnh, Cà Mau triển khai nhiều giải pháp xây dựng, khai thác và kết nối sản phẩm du lịch hiệu quả, tăng sức hút cho du lịch địa phương.

Du lịch sinh thái với nhiều trải nghiệm

“Đến Cà Mau nếu chỉ một lần với chuyến đi ngắn ngày, du khách không thể trải nghiệm hết vùng đất Mũi với khu rừng ngập mặn, cảm giác thiêng liêng khi buổi sớm đứng tại Mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001 (cây số 0) của Việt Nam, tham quan Cột cờ Hà Nội, ngắm biểu tượng con tàu tiến ra biển trong khuôn viên Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau hay về rừng tràm ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Đến Cà Mau tôi còn tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, thưởng thức ẩm thực, nghe đờn ca tài tử, được người dân kể những câu chuyện dân gian về lịch sử khai phá, bảo vệ, phát triển vùng đất cực Nam Tổ quốc.” chị Đỗ Huyền (quận Hà Đông, Hà Nội) du khách từng hai lần tới Cà Mau chia sẻ.

Chị cho biết thêm, kế hoạch du lịch của gia đình vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ là về vùng đất phương Nam, trong đó có điểm đến Cà Mau nhiều thú vị.

Cà Mau là một trong những địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cà Mau (gồm Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ và khu vực rừng phòng hộ ven biển Tây nằm tại tỉnh Cà Mau) không chỉ có nguồn lợi lớn về kinh tế mà còn tạo môi trường trong lành, mang lại nhiều sản phẩm du lịch sinh thái với trải nghiệm hấp dẫn.

Khách du lịch tham quan, trải nghiệm xổ vuông bắt tôm, cá tại điểm du lịch cộng đồng của ông Trần Văn Hướng (ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau). (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Đó là hoạt động du lịch tham quan bãi bồi ven biển, xuyên qua cánh rừng đước xanh mát, rừng tràm hoa nở thơm ngát, cùng người dân địa phương tham gia trồng rừng, bảo vệ môi trường, khai thác sản vật từ rừng, biển…

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng cho biết, tại tỉnh hiện có trên 30 khu, điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đang hoạt động, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, tiêu biểu như: Khu Du lịch Quốc gia mũi Cà Mau, Khu Du lịch Khai Long, Sân chim Ngọc Hiển, Sân chim thành phố Cà Mau, Khu Du lịch sinh thái Cà Mau Eco…

Đề cập định hướng, giải pháp phát triển du lịch Cà Mau, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Minh Luân thông tin: Phát huy lợi thế vị trí địa lý là tỉnh địa đầu cực Nam đất nước, địa phương tích cực xây dựng, định vị và nâng cao thương hiệu du lịch Cà Mau “Địa đầu cực Nam-Khám phá-Môi trường-Kết nối.”

Trong đó Khu Du lịch Quốc gia mũi Cà Mau là một trong các trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến quan trọng trên các tuyến du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cà Mau xác định, phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Tiếp đà phát triển, năm 2024, du lịch Cà Mau có những chuyển động khởi sắc, chất lượng dịch vụ tại khu, điểm du lịch được nâng lên, lượng khách cả năm ước đạt trên 2,15 triệu lượt, tổng doanh thu ước đạt khoảng 3.080 tỷ đồng, tăng 5,9% so năm 2023.

Tăng kết nối, phát triển du lịch di tích lịch sử, văn hóa

Định hướng phát triển du lịch từ thế mạnh, tạo sự khác biệt, gam màu nổi bật trong bức tranh chung của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh sản phẩm du lịch sinh thái, Cà Mau đẩy mạnh khai thác, quảng bá du lịch gắn với di tích lịch sử, văn hóa vùng đất giàu truyền thống, hội tụ nhiều nét văn hóa cộng đồng các dân tộc.

Hiện nay, nhiều địa phương ở Cà Mau đang sở hữu tài nguyên du lịch gắn với di tích lịch sử, văn hóa. Đơn cử, huyện Trần Văn Thời, ngoài điểm du lịch sinh thái còn có điểm đến là di tích lịch sử, văn hóa như Địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954 đầu năm 1955 tại bờ Nam Sông Đốc (thuộc Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia các địa điểm thuộc Xứ ủy Nam Bộ-Trung ương Cục miền Nam, giai đoạn từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1955).

Đây là địa điểm có nhiều tiềm năng khai thác du lịch về nguồn, tìm hiểu truyền thống. Vừa qua, tại địa điểm này, Tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc được khánh thành, trở thành biểu tượng, điểm nhấn ghi nhớ một sự kiện lịch sử của đất nước.

Cũng tại huyện Trần Văn Thời còn có Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia Hòn Đá Bạc - nơi diễn ra chiến dịch phản gián của lực lượng Công an Việt Nam đánh thắng cuộc xâm nhập của tổ chức phản cách mạng từ năm 1981-1984.

Di tích Làng rừng Vồ Dơi - hình thái độc đáo mang tính đặc thù của chiến tranh nhân dân ở tỉnh Cà Mau trong những năm tháng kháng chiến chống ngoại xâm và Khu lưu niệm Nghệ nhân Dân gian Nguyễn Long Phi (bác Ba Phi - người kể những câu chuyện dân gian hóm hỉnh, lạc quan gắn với lịch sử khẩn hoang, đời sống người nông dân Nam Bộ).

Nhấn mạnh giải pháp phát triển du lịch từ tiềm năng, tăng kết nối các điểm du lịch sinh thái, di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có điểm đến ở huyện Trần Văn Thời, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết, hiện nay, tuyến du lịch thành phố Cà Mau-Vườn Quốc gia U Minh Hạ-di tích Hòn Đá Bạc-các di tích ở thị trấn Sông Đốc-đầm Thị Tường kết nối với điểm đến đất mũi Cà Mau là một trong tuyến du lịch chủ lực nhiều đơn vị lữ hành khai thác, giới thiệu đến du khách.

Đồng thời, việc kết nối giữa thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) với điểm tham quan du lịch lân cận cùng trên địa bàn huyện này như di tích Hòn Đá Đạc, Khu lưu niệm Nghệ nhân Dân gian Nguyễn Long Phi, đầm Thị Tường, di tích Làng rừng Vồ Dơi cùng các địa điểm du lịch cộng đồng đang được đẩy mạnh hoàn thiện, tạo nhiều tour du lịch hấp dẫn.

Lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, khảo sát điều kiện làm cơ sở triển khai tour thí điểm kết nối du lịch với các nước lân cận (thông qua đường biển) thu hút du khách trong nước và quốc tế, góp phần quảng bá, giới thiệu quê hương, con người Cà Mau.

“Huyện tăng cường quảng bá, thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, tạo thuận lợi phát triển du lịch tại các điểm đến du lịch sinh thái, Vườn quốc gia U Minh Hạ, du lịch gắn với di tích lịch sử, văn hóa, các làng nghề..., góp phần phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện ở phía Tây tỉnh Cà Mau”- Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trần Văn Thời Nguyễn Thế Châu thông tin thêm.

Một địa phương khác ở Cà Mau có nhiều tiềm năng phát triển du lịch di tích lịch sử văn hóa là huyện Thới Bình. Huyện tới có 14 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, một di sản phi vật thể quốc gia là Nghệ thuật nhạc trống lớn của người Khmer ở huyện Thới Bình.

Thới Bình là nơi từng diễn ra sự kiện 200 ngày chuyển quân, tập kết ra Bắc cuối năm 1954-đầu năm 1955. Thời điểm đó, tại xã Trí Phải (huyện Thới Bình) má Lê Thị Sảnh đã trao cây vú sữa gửi bộ đội lên tàu tập kết, mang ra miền Bắc kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện tấm lòng đồng bào miền Nam với Bác Hồ kính yêu. Hiện nay, Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam tại mảnh đất năm xưa má Sảnh gửi cây vú sữa ra Bắc trở thành di tích lịch sử, văn hóa.

Ông Trần Minh Nhân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thới Bình cho hay, địa phương đang triển khai Đề án phát triển du lịch gắn với tham quan di tích lịch sử, văn hóa, phát triển đặc sản địa phương. Huyện tăng cường chỉnh trang môi trường, tạo cảnh quan làng quê, điểm đến xanh-sạch-đẹp, quảng bá để các di tích vừa là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, vừa là điểm tham quan tìm hiểu lịch sử.

Huyện tăng cường kết nối điểm đến du lịch sinh thái, di tích lịch sử, văn hóa như dòng sông Trẹm thơ mộng, điểm du lịch sinh thái Vườn chim Tư Sự, các di tích Phủ thờ Bác Hồ, Bia Kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam, Ðền thờ Vua Hùng, di tích Các địa điểm thuộc Xứ ủy Nam Bộ-Trung ương Cục miền Nam, giai đoạn từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1955…

Thới Bình phấn đấu đến đến năm 2025 hình thành ít nhất 5 tour du lịch trên địa bàn, thu hút khoảng 50 ngàn lượt khách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục