Đoạn sông Đồng Nai qua khu vực xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đang ngày đêm “oằn lưng” gánh nạn khai thác cát trái phép.
Hàng ngàn mét vuông đất vườn của người dân và một đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn bị sạt lở xuống sông. Cảnh khai thác cát diễn ra rầm rộ hằng đêm, nhưng chính quyền lại kêu khó xử lý.
Móc ruột sông Đồng Nai
Ông Lê Hoàng Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bình Lợi cho biết, tình trạng khai thác cát trái phép tại đoạn sông Đồng Nai qua địa bàn xã đã làm bờ sông bị sạt lở, cuộc sống của người dân luôn bất an.
“Chúng tôi đề nghị lập chuyên án xử lý triệt để tình trạng bơm hút cát trái phép trên sông để người dân yên tâm làm ăn và sinh sống,” ông Long nói.
[Sạt lở kênh Chợ Gạo: Dân ‘nơm nớp’ lo nhà cửa bị cuốn theo dòng nước]
Không chỉ đất vườn của người dân bị sụt lở xuống sông do nạn khai thác cát, mà nhiều tháng nay diện tích đất của Lữ đoàn 25 (Bộ Tư lệnh Quân khu 7, đóng chân tại xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) cũng trong tình trạng tương tự.
Đại úy Trương Văn Ninh (Lữ đoàn 25) cho biết: “Tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp vào mùa mưa. Nếu như trước đây diện tích sạt chỉ vài mét, nay phần đất của đơn vị bị sạt lở khoảng 1.500m2, kéo dài khoảng 150m dọc bờ sông.”
Theo Lữ đoàn 25, các đối tượng lén lút khai thác cát vào ban đêm đã gây ảnh hưởng đến dòng chảy và gây sạt lở đất của đơn vị đang quản lý, ảnh hưởng đến quy hoạch doanh trại và các công trình đã được đầu tư xây dựng như kè bê tông cốt thép, bến huấn luyện vượt sông.
Chính quyền kêu khó xử lý
Trước tình trạng khai thác cát lậu gây sạt lở đất, ngày 10/7, Lữ đoàn 25 đã có công văn số 395/LĐ25 đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, Công an Đồng Nai và chính quyền huyện Vĩnh Cửu, xã Bình Lợi, ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép, tạo điều kiện cho đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tại cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai mới đây, ông Trần Trung Nhân, Bí thư Huyện ủy huyện Vĩnh Cửu thừa nhận tình trạng khai thác cát trái phép tại đoạn sông qua khu vực xã Bình Lợi diễn biến rất phức tạp, gây sạt lở đất nghiêm trọng.
Ông Nhân cho biết hằng đêm có khoảng 5 ghe thay phiên nhau bơm hút cát dưới sông Đồng Nai. Mỗi đêm những ghe này thực hiện khoảng 40 lượt, thu về số tiền bán cát khoảng 200 triệu đồng. “Vì lợi nhuận quá cao, nên các đối tượng bơm hút cát rất manh động và hoạt động công khai. Mặc dù địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng việc xử lý triệt để rất khó khăn."
Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết thời gian qua lực lượng công an đã tổ chức nhiều cuộc truy quét các đối tượng bơm hút cát trái phép tại địa bàn huyện Vĩnh Cửu và nhiều đối tượng, phương tiện đã bị phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý cũng mới chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính chứ chưa xử lý được bằng pháp luật.
Nguyên nhân là khó xác định được khung như thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, hiện nay có nhiều bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng ngay tại bến sông, do đó các đối tượng bơm hút cát xong là mang lên bán cho các bãi, không phải vận chuyển đi xa nên khó cho công tác xử lý.
Theo ông Hồ Văn Năm, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai, Bộ Luật Hình sự sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 có thể áp dụng và xử lý hình sự được đối với các đối tượng bơm hút cát trái phép trên sông.
Trước tình trạng trên, Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị lực lượng công an địa phương cùng với chính quyền các cấp tăng cường công tác tuần tra, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác cát trái phép trên sông; kiên quyết xử lý nạn khai thác cát trái phép gây sạt lở bờ sông, không để tình trạng trên tái diễn./.