Ngày 9/4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định phát triển công nghiệp khai thác bauxite, sản xuất alumina tại Tây Nguyên là hoàn toàn đúng đắn, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội cho khu vực.
Chủ trì Hội thảo khoa học "Vai trò của công nghiệp khai thác bauxite-sản xuất alumina-nhôm đối với phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên và những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, văn hoá khu vực", Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định không thể phát triển với bất cứ giá nào mà cần phải đảm bảo tính phát triển bền vững và để làm được điều đó cần phải có những giải pháp quản lý chặt chẽ, khoa học.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Phó thủ tướng chỉ đạo, cần phải điều chỉnh lại "Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025", phù hợp với tình hình mới của đất nước, dựa trên những căn cứ, số liệu mới, trong đó cần có báo cáo đánh giá chiến lược về tác động môi trường.
Trong giai đoạn trước mắt, khi Việt Nam chưa có lợi thế về nguồn điện thì việc chế biến bauxite sẽ hạn chế ở mức sản xuất alumina, nhưng vẫn cần có những kế hoạch tiên liệu cho việc sản xuất nhôm.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các cơ quan chức năng cần phối hợp với nhà đầu tư tiếp tục thực hiện các chiến lược đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, ưu tiên cho các con em đồng bào các dân tộc tại chỗ. Để đảm bảo tính hiệu quả kinh tế, xã hội vốn còn nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các biện pháp giám sát các giải pháp đảm bảo hạn chế tối thiểu sự ảnh hưởng đến thiên nhiên, môi trường, văn hoá, xã hội của khu vực Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc phát triển các dự án khai thác, chế biến bauxite tại Tây Nguyên sẽ chỉ thực sự thành công, mang lại động lực phát triển cho kinh tế xã hội các địa phương Tây Nguyên và cả nước khi nó nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân địa phương vùng Tây Nguyên cũng như cả nước.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương liên quan đến việc thực hiện các dự án khai thác, chế biến bauxite để Chương trình phát triển ngành công nghiệp bauxite đảm bảo đạt hiệu quả kinh tế, không ảnh hưởng đến môi trường, xã hội và cuộc sống văn hoá, tinh thần của người dân, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của vùng Tây Nguyên và cả nước.
Tại Hội thảo, các báo cáo và ý kiến tham luận đã đánh giá sâu sắc về hiệu quả kinh tế, tác động môi trường, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh… của các dự án bauxite Tây Nguyên đối khu vực này.
Một số ý kiến phát biểu trong Hội thảo bày tỏ hoài nghi về tính hiệu quả kinh tế của các dự án phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bauxite tại Tây Nguyên và bày tỏ sự lo ngại về ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước hay nền văn hoá của các dân tộc ở Tây Nguyên.
Các ý kiến phản biện này nhận được sự tiếp thu nghiêm túc và đã được giải đáp ổn thỏa từ đại diện các cơ quan chức năng, đại diện nhà đầu tư và các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Các chuyên gia nước ngoài cũng đã có những báo cáo giới thiệu những phương pháp kỹ thuật áp dụng trong quá trình khai thác, chế biến bauxite cùng các giải pháp xử lý chất thải, hoàn nguyên đất sau khai thác và thực tế hoạt động khai thác, chế biến bauxite tại các quốc gia trên thế giới để Việt Nam tham khảo.
Theo Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, Việt Nam có nguồn tài nguyên bauxite thuộc loại lớn trên thế giới. Trữ lượng xác định và dự báo khoảng 5,4 tỷ tấn, chủ yếu tập trung ở khu vực Tây Nguyên. Vì vậy, bauxite được xác định là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực, góp phần ổn định tình hình an ninh-chính trị trên địa bàn. Việc phát triển ngành công nghiệp khai thác bauxite, sản xuất alumina-nhôm là bước cụ thể thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng./.
Hội thảo "Vai trò của công nghiệp khai thác bauxite, sản xuất alumia - nhôm đối với phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên và những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, văn hóa khu vực" do Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam và Bộ công thương tổ chức ngày 9/4/2009, tại Hà Nội thu hút sự quan tâm của gần 200 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, những người hoạt động trong lĩnh vực môi trường và báo giới.
Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải công bố lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tới Hội thảo, kêu gọi các nhà khoa học nêu cao tinh thần trách nhiệm với đất nước, để đóng góp ý kiến cho vấn đề này.
Ban quy hoạch khoanh vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/11/2007. Đến nay, một số dự án đã và đang chuẩn bị triển khai thí điểm, trong đó có dự án Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông).
Trước và trong khi các dự án triển khai, nhiều nhà khoa học đã bày tở mối quan ngại về tính pháp lý và khả thi của quy hoạch, các rủi ro, bất cập của các dự án đang triển khai, đặc biệt là về sự tác động của các dự án bauxite đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội, môi trường sinh thái, cộng đồng dân cư và văn hóa khu vực Tây Nguyên.
Hội thảo nhằm làm rõ những vấn đề quy hoạch, các nguy cơ với môi trường để kiến nghị Chính phủ những giải pháp phù hợp, đồng thời là gợi ý để các chủ đầu tư, đơn vị khai thác tránh những rủi ro về môi trường, văn hóa.
(TTXVN/Vietnam+)