Khai mạc Tuần lễ quảng bá sản phẩm na Chi Lăng tại Hà Nội

Na được ví là “cây nông thôn mới,” mỗi năm thu về hàng nghìn tỷ đồng cho người dân Chi Lăng. Năm 2011, sản phẩm na dai của huyện Chi Lăng đã chính thức được trao nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm.
Sản phẩm na của xã Chi Lăng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Sản phẩm na của xã Chi Lăng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Sáng 16/8, tại Hà Nội, Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp khai mạc hội chợ sản phẩm nông nghiệp an toàn; tuần lễ quảng bá na Chi Lăng và đặc sản Lạng Sơn 2019.

Tuần lễ na Chi Lăng sẽ diễn ra từ ngày 16-21/8 tới, tại Khu Hội chợ triển lãm, Giao dịch kinh tế và Thương mại, số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.

Na được ví là “cây nông thôn mới,” mỗi năm thu về hàng nghìn tỷ đồng cho người dân Chi Lăng. Năm 2011, sản phẩm na dai của huyện Chi Lăng đã chính thức được trao nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm.

Ngoài hướng đến xuất khẩu, việc đưa sản phẩm na Chi Lăng tới tay người tiêu dùng nội địa cũng vô cùng quan trọng.

Vì vậy, Tuần lễ quảng bá na Chi Lăng và đặc sản Lạng Sơn tại Hà Nội là cầu nối hữu hiệu nhằm đưa sản phẩm na Chi Lăng đến tay người tiêu dùng. Điều này giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu, phân biệt na Chi Lăng với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Theo ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp, đây còn là dịp để các hợp tác xã, cơ sở sản xuất quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường các địa phương; trực tiếp giao dịch, tiếp xúc với các doanh nghiệp thu mua, bán buôn, xuất khẩu; tiếp xúc trao đổi kinh nghiệm nhằm cải thiện sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã và năng suất cho cây na tại Chi Lăng.

[Lạng Sơn: Nông dân Chi Lăng vào mùa thu hoạch na]

Đây sẽ là nơi giúp các đơn vị sản xuất na của Chi Lăng cũng như các nông sản Lạng Sơn tìm kiếm đối tác, ký kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn kỳ vọng, sau hội chợ sẽ có nhiều doanh nghiệp tìm kiếm được cơ hội hợp tác đầu tư phát triển, nhiều nông sản tìm được hướng đi mới. Nông sản tỉnh Lạng Sơn qua đây cũng khẳng định thêm về chất lượng.

Đến nay, nhiều sản phẩm nông sản của Lạng Sơn đã đưa được vào các siêu thị và được thị trường thành phố lớn chấp nhận. Có được điều này bởi ngay từ khâu sản xuất như giống, quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, các hợp tác xã, doanh nghiệp… đều thực hiện theo các tiêu chuẩn và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.

Ông Hồ Tiến Thiệu cho rằng, nông sản của Việt Nam hiện nay chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều loại hoa quả chưa có trong danh mục loại hoa quả được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, điển hình như na. Chính vì vậy các sản phẩm sẽ khó khăn trong tiêu thụ.

Tỉnh Lạng Sơn mong muốn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đẩy mạnh đàm phán với các cơ quan chức năng của Trung Quốc chấp thuận, tạo điều kiện thuận lợi cho các nông sản khác của Việt Nam như na, thạch đen, sầu riêng… để góp phần tăng giá trị hàng nông sản, tăng thu nhập cho nông dân.

Với quy mô 100 gian hàng, Tuần lễ na Chi Lăng có sự góp mặt của đông đảo các hợp tác xã, tổ liên kết hợp tác, chi hội, nhà vườn sản xuất na theo tiêu chuẩn, chất lượng cao của huyện Chi Lăng.

Ngoài các gian hàng của Lạng Sơn còn có các gian hàng của các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến tiêu thụ các nông sản đặc sản được chứng nhận nhãn hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý đến từ các tỉnh, thành phố như nhãn lồng Hưng Yên, quế Văn Yên, gạo Hải Hậu, chè Tân Cương, rau củ quả Mộc Châu, nước mắm Phú Quốc… cũng được giới thiệu, bán tại hội chợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục