Sáng ngày 24/2 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm "Nghệ sỹ là chiến sỹ" đã được khai mạc nhân kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023).
Đề cương về văn hóa Việt Nam vốn là một văn kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, chỉ ra con đường vận động và phát triển của văn hóa Việt Nam. Vì vậy, theo Bảo tàng Mỹ thuật, triển lãm "Nghệ sỹ là chiến sỹ" là một sự hưởng ứng, cho thấy sự chuyển biến về nhận thức tư tưởng của giới văn nghệ sỹ khi họ từ bỏ cuộc sống bình an, tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển một nền văn hóa Việt Nam mới.
80 bức tranh tại triển lãm là những minh chứng rõ nét cho những tư tưởng ấy. Tiến sỹ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật nhận xét dù loạt tác phẩm chủ yếu được thể hiện một cách không mấy cầu kỳ: vẽ ký họa bằng chì, mực, màu nước... nhưng đều là những khoảnh khắc lịch sử, chân thực và giàu cảm xúc về cuộc kháng chiến, về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, anh dũng chiến đấu, thi đua tăng gia sản xuất.
[Nhiều hoạt động chào mừng 80 năm đề cương văn hóa Việt Nam]
Triển lãm được coi như dịp tôn vinh và tri ân chung tới các thế hệ họa sỹ đã dùng những nét vẽ, bảng màu như vũ khí để cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và dân tộc.
Đây cũng là dịp hiếm hoi để công chúng có thể được chiêm ngưỡng tranh của các tác giả tài năng, thuộc thế hệ đầu tiên của nền mỹ thuật Việt Nam, bởi những bức tranh này vốn được bảo quản trong kho thay vì trưng bày thường xuyên cho khách tham quan.
Triển lãm treo tranh của 30 tác giả, trong đó có 22 họa sỹ được đào tạo tại trường Mỹ thuật Đông Dương (Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày nay). Các danh họa có tranh trong triển lãm bao gồm Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sáng cùng nhiều tên tuổi khác Nguyễn Hiêm, Lê Quốc Lộc, Nguyễn Sỹ Ngọc...
Triển lãm mở cửa từ ngày 24/2 đến hết 5/3 tại tầng 2 nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội).