Ngày 5/3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 15 thẩm tra các dự án luật chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
Dự phiên họp có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba.
Trong ngày làm việc đầu tiên, Ủy ban Tư pháp đã thẩm tra dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).
Tờ trình về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) do Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Tống Anh Hào trình bày đã nêu bật sự cần thiết ban hành Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); khẳng định các quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã thể chế hóa một bước các quan điểm, định hướng của Đảng về cải cách tư pháp, cần tiếp tục được cụ thể hóa trong các luật tố tụng, trong đó có Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi).
Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) có tổng số 447 điều, được bố cục thành tám phần, 37 chương.
So với Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành, dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) giữ nguyên 233 điều, sửa đổi 177 điều, bổ sung 37 điều, bãi bỏ 10 điều. Trong đó bỏ phần về thủ tục thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án, bỏ chương về tương trợ tư pháp trong tố tụng dân sự và bổ sung chương về thủ tục rút gọn, thủ tục công nhận quyết định hòa giải ngoài Tòa án.
Các ý kiến trong Ủy ban Tư pháp cho rằng việc sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự cần tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị số 48, 49, Kết luật số 79, Kết luật số 92 của Bộ Chính trị và Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI. Trong đó, xác định yêu cầu đổi mới tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; đẩy mạnh và coi việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa là khâu đột phá của hoạt động xét xử; tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Về nội dung bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, một số ý kiến tán thành với quan điểm cần phải tiếp thu có chọn lọc những nội dung hợp lý của mô hình tố tụng tranh tụng, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Các ý kiến này cho rằng cần phải cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” và coi đây là khâu đột phá của hoạt động tố tụng dân sự.
Theo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử thì tranh tụng không chỉ được tiến hành tại phiên tòa mà còn được mở rộng cả trong quá trình giải quyết vụ án. Nguyên tắc này cần thể hiện ngay từ khi Tòa án thụ lý vụ án cho đến khi kết thúc việc xét xử.
Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử bảo đảm cho các bên đương sự được tự do đưa ra các chứng cứ, lập luận, lý lẽ nhằm chứng minh cho các yêu cầu của họ hoặc để bào chữa.
Nguyên tắc này đòi hỏi mỗi bên được sự phải được thông báo về mọi giấy tờ, tài liệu, chứng cứ của bên kia và được tự do tranh luận tại phiên tòa. Mọi quyết định của Tòa án đều phải dựa trên những chứng cứ đã được đưa ra tranh luận công khai tại phiên tòa. Những vấn đề này cần phải được quy định cụ thể trong dự thảo Luật.
Thảo luận về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm, theo Tờ trình có nhiều ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị mở rộng thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được sửa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ như quy định hiện hành. Có ý kiến cho rằng giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt, chỉ tiến hành khi có những điều kiện cụ thể theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và chỉ những chủ thể được quy định trong Bộ luật mới có quyền kháng nghị. Giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử thứ ba, đây là thủ tục xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Mặt khác, nếu quy định Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án, vì họ sẽ mất quyền tranh tụng tại phiên tòa, mất quyền kháng cáo. Vì vậy đề nghị không bổ sung quy định thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được sửa bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
Về thủ tục đặc biệt xem xét lại Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Tờ trình nêu hai ý kiến. Ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp tục giữ quy định về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành, nhưng không quy định Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy, sửa quyết định của mình mà chỉ kết luận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước.
Còn có ý kiến khác đề nghị bỏ quy định này.
Quan điểm tán thành với ý kiến thứ nhất cho rằng đây là cơ chế đặc biệt khắc phục thiết sót, bất cập trong quy định của pháp luật tố tụng dân sự đối với trường hợp qua giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng như giải quyết khiếu nại của Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 không có quy định cơ chế khắc phục nên không xử lý được.
Tuy nhiên về quy định Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không hủy quyết định của mình mà chỉ kết luận về tính hợp pháp của quyết định của Hội đồng thẩm phán và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cần xem xét lại vì quy định này không phù hợp với quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước cũng như yêu cầu khắc phục hậu quả của các vi phạm pháp luật của Tòa án trong việc xét xử vụ án.
Ủy ban Tư pháp đã cho ý kiến về nhiều nội dung khác như thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự; công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án; thẩm quyền của Tòa án trong thi hành án dân sự.
Phiên họp của Ủy ban Tư pháp diễn ra trong hai ngày 5-6/3./.