Khai mạc phiên họp toàn thể Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Ngày 4/3, tại Hà Nội, đã khai mạc phiên họp toàn thể Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, chuẩn bị nội dung cho phiên họp 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
Khai mạc phiên họp toàn thể Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ảnh 1Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phát biểu khai mạc. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngày 4/3, tại Hà Nội, đã khai mạc phiên họp toàn thể Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, chuẩn bị nội dung cho phiên họp 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

Trong ngày làm việc đầu tiên, Ủy ban Pháp luật thẩm tra các đề án của Chính phủ về việc thành lập thị xã Đông Triều và thành lập các phường thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; thành lập thị xã Điện Bàn và bảy phường thuộc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sa Thầy để thành lập huyện Ia H' Drai thuộc tỉnh Kon Tum; việc thành lập các phường Xuất Hóa, Huyền Tụng thuộc thị xã Bắc Kạn và thành lập thành phố Bắc Kạn thuộc tỉnh Bắc Kạn.

Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị xã Đông Triều và thành lập các phường thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, nêu rõ việc thành lập thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở toàn bộ gần 39.722ha diện tích tự nhiên, 173.100 nhân khẩu và 21 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Đông Triều.

Sau khi thành lập thị xã Đông Triều và sáu phường thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh có bốn thành phố, hai thị xã và tám huyện (huyện Đông Triều chuyển thành thị xã Đông Triều), có 111 xã, 67 phường và tám thị trấn, theo đó không làm tăng thêm đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và biên chế cán bộ, công chức của tỉnh.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết thành lập thị xã Đông Triều và các phường thuộc thị xã Đông Triều như Tờ trình của Chính phủ vì đã đảm bảo các điều kiện thành lập đơn vị hành chính đô thị được quy định tại Điều 3, Nghị định 62 của Chính phủ.

Việc thành lập thị xã Đông Triều nhằm giải quyết những bất cập do sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện càng tăng nhanh, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tờ trình việc thành lập thị xã Điện Bàn và bảy phường thuộc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam của Chính phủ nêu rõ huyện Điện Bàn (thuộc tỉnh Quảng Nam) có diện tích tự nhiên là 21.471ha (214,7km2) với hơn 229.900 nhân khẩu, gồm 20 đơn vị hành chính các xã (19 xã và một thị trấn).

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập thị xã Điện Bàn và bảy phường thuộc thị xã Điện Bàn như Tờ trình của Chính phủ; việc thành lập đã bảo đảm các điều kiện thành lập đơn vị hành chính đô thị được quy định tại Điều 3, Nghị định 62 của Chính phủ.

Hiện huyện Điện Bàn đã đủ tiêu chuẩn để thành lập thị xã Điện Bàn (9/9 tiêu chuẩn đạt yêu cầu); trong tiêu chuẩn về hệ thống hạ tầng đô thị đã đạt 29/30 tiêu chuẩn, còn thiếu tiêu chuẩn về mật độ đường trong khu vực nội thị là chưa đạt. Nhiều ý kiến đề nghị tiêu chuẩn còn thiếu này cần được huyện Điện Bàn và tỉnh Quảng Ninh khắc phục trong thời gian ngắn nhất.

Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sa Thầy để thành lập huyện Ia H’ Drai thuộc tỉnh Kon Tum nêu rõ theo phương án điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập mới huyện Ia H’ Drai thì tỉnh Kon Tum không thay đổi về số đơn vị hành chính cấp xã nhưng có tăng một huyện (từ tám huyện và một thành phố thành chín huyện và một thành phố).

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Pháp luật về nội dung này đánh giá về yêu cầu bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể của Trung ương, tỉnh và cơ cấu kinh tế của từng vùng, Đề án chưa phân tích làm rõ sự phù hợp với quy hoạch tổng thể của Trung ương, của tỉnh mà cơ bản dựa trên Đề án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội khu vực Nam Sa Thầy đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được các bộ, ngành Trung ương tham gia góp ý kiến vào báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược.

Tại Quyết định số 581/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng thị trấn Nam Sa Thầy. Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum cần tiếp tục hoàn thiện Đề án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội khu vực Nam Sa Thầy đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 để kịp phê duyệt cùng với việc thành lập huyện mới Ia H’Drai.

Về bảo đảm quốc phòng, bảo vệ khu vực biên giới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Đề án chưa đi sâu phân tích khó khăn, trở ngại cũng như thuận lợi trong bố trí phòng thủ, tác chiến bảo vệ lãnh thổ khu vực biên giới, phương hướng, giải pháp hữu hiệu bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong điều kiện huyện mới được thành lập.

Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập các phường Xuất Hóa, Huyền Tụng thuộc thị xã Bắc Kạn và thành lập thành phố Bắc Kạn thuộc tỉnh Bắc Kạn cho biết sau khi thành lập phường Xuất Hóa, Huyền Tụng thuộc thị xã Bắc Kạn và thành lập thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn có một thành phố và bảy huyện, 110 xã, sáu phường và sáu thị trấn. Theo đó không làm tăng thêm đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và biên chế cán bộ, công chức của tỉnh.

Đối với việc việc thành lập các phường Xuất Hóa, Huyền Tụng thuộc thị xã Bắc Kạn, Nhóm nghiên cứu đề nghị làm rõ với diện tích rất rộng của hai xã Xuất Hóa và Huyền Tụng thì khi chuyển thành phường, việc tổ chức quản lý đô thị, cũng như xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn có nhiều khó khăn; có ý kiến đề nghị giữ nguyên hai xã Xuất Hóa và Huyền Tụng và chỉ điều chỉnh khu vực nội thị của hai xã này để thành lập mới hai phường, có như vậy mới bảo đảm yêu cầu quản lý dân cư, quản lý đô thị trên địa bàn.

Về tiêu chuẩn để thành lập thành phố Bắc Kạn, Nhóm nghiên cứu đánh giá theo Đề án của Chính phủ và đối chiếu với các tiêu chuẩn thành lập thành phố thuộc tỉnh quy định tại Điều 4 Nghị định 62 của Chính phủ thì thị xã Bắc Kạn cơ bản đạt các tiêu chuẩn, chỉ còn tiêu chuẩn về quy mô dân số và tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính chưa đạt.

Với tốc độ tăng dân số hàng năm tại thị xã Bắc Kạn trung bình khoảng 1%, để đạt được quy mô dân số trên 75.000 người thì cần 10 năm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng khi thành phố Bắc Kạn được thành lập thì cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngày càng phát triển, thu hút đầu tư nhanh, khi đó quy mô dân số sẽ đạt được nhanh chóng trên cơ sở dịch chuyển dân số cơ học về thành phố.

Diễn ra đến ngày 6/3, Ủy ban Pháp luật sẽ thẩm tra dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam, thẩm tra Tờ trình của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục