Khai mạc Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Sáng 9/12, với sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 51. Đây là phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2020.

Chính phủ đề nghị bổ sung 2 nội dung

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tổng kết Kỳ họp thứ mười và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ mười một của Quốc hội khóa XIV; xem xét thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi); cho ý kiến chỉnh lý, tiếp thu dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc điều chỉnh vốn viện trợ nước ngoài năm 2020 của tỉnh Quảng Nam; xem xét, quyết định sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021 và việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang; thị trấn Tân Bình thuộc huyện Bắc Tân Uyên-tỉnh Bình Dương, các phường thuộc thành phố Thanh Hóa-tỉnh Thanh Hóa, thị trấn Vĩnh Thạch Trung thuộc huyện Châu Phú, thị trấn Cô Tô thuộc huyện Tri Tôn và thị trấn Vĩnh Bình thuộc huyện Châu Thành-tỉnh An Giang.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2020; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến về chương trình hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các nhóm nghị sỹ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và Văn phòng Quốc hội.

Cùng với đó, Chính phủ vừa có văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét 2 nội dung về mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay đến ngày 31/12/2021 và vốn đầu tư năm 2021.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Tài chính-Ngân sách xem xét, thẩm tra các nội dung này, nếu đủ điều kiện thì bổ sung vào chương trình phiên họp chiều 11/12.

[Phiên họp thứ 51 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 9-11/12]

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sáng 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tạm dừng Phiên họp thứ 51 để các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Chiều 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc.

Nhấn mạnh Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong khoảng thời gian các cơ quan, tổ chức tổng kết năm 2020, tổng kết cả nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu sắp xếp công việc, tham gia phiên họp đầy đủ.

Bảo đảm quyền trẻ em

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉnh lý, tiếp thu dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) với sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo một số nội dung lớn, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Báo cáo nêu 5 vấn đề lớn về phạm vi điều chỉnh; bố cục dự thảo luật; trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy bắt buộc, cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, cai nghiện ma túy với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi và một số vấn đề khác.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ nhất trí cao với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý. Bên cạnh đó, các đại biểu cho ý kiến thêm về các nội dung liên quan đến việc đưa trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đi cai nghiện ở cơ sở tập trung; về đơn giản hóa thủ tục đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung; về thẩm quyền chủ trì điều tra; về đối tượng áp dụng; về thời hiệu...

Khai mạc Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ảnh 1Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến, tại khoản 2, Điều 10 dự thảo luật quy định, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc công an nhân dân chủ trì, phối hợp thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy. Tại khoản 3, Điều 10 lại quy định trách nhiệm chủ trì, phối hợp trong công tác này của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan tại khu vực hoặc địa bàn quản lý, kiểm soát. Như vậy có thể dẫn tới sự chồng lấn về trách nhiệm. Ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị quy định rõ ở những khu vực, địa bàn đó, cơ quan nào phát hiện trước thì có thẩm quyền, trách nhiệm xử lý.

Phân tích về tính nguy hiểm của người nghiện ma túy khi họ lên cơn nghiện, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, việc quy định quyền của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và người đại diện hợp pháp của họ được đọc hồ sơ và ghi chép nội dung trong thời hạn 3 ngày là quá dài.

Cùng với đó, quy định về thời hạn 1 ngày chuyển hồ sơ tới Trưởng phòng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, thời hạn 2 ngày để Trưởng phòng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc chuyển lại cơ quan lập hồ sơ đề nghị bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ... có thể dẫn tới tình trạng ùn tắc hồ sơ. Từ đó, ông Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị giảm bớt thủ tục rườm rà trong việc đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao với việc có một điều quy định riêng về việc đưa trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đi cai nghiện ở cơ sở bắt buộc. Tuy nhiên, cần chỉnh lý cho thống nhất với các luật khác; bảo đảm quyền con người, quyền trẻ em theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.

Về thủ tục đưa người đi cai nghiện ở cơ sở bắt buộc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, trong các nghị định quy định chi tiết thi hành luật cần quy định rõ thời gian, thời hạn và thủ tục nhanh gọn, không áp dụng thủ tục tố tụng rườm rà quá mức để vừa bảo đảm đúng trình tự, vừa bảo đảm tính kịp thời. Đồng thời, các văn bản hướng dẫn cũng cần quy định rõ về trách nhiệm của gia đình, xã hội, cơ quan, tổ chức.

Về hiệu lực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề xuất thời điểm có hiệu lực của luật khi được thông qua là từ ngày 1/1/2022.

Thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)

Với sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Theo báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày, trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo pháp lệnh đã mở rộng công nhận đối tượng người bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt và tù đày, vợ hoặc chồng liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác được hưởng chế độ trợ cấp tiền tuất hằng tháng và bổ sung chế độ bảo hiểm y tế với đối tượng này.

Khai mạc Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ảnh 2Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng (sửa đổi). (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Dự thảo cũng quy định theo hướng không hạn chế việc thực hiện chính sách ưu đãi người nước ngoài có công với cách mạng; không hạn chế việc nhận chế độ ưu đãi với người có công với cách mạng đang định cư ở nước ngoài; chỉnh lý quy định về các trường hợp được công nhận liệt sĩ nhằm bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tế, bối cảnh thời bình, tôn vinh xáng đáng với người có công.

Dự thảo chỉnh lý về điều kiện, tiêu chuẩn công nhận thương binh, người hưởng chính như thương binh; chỉnh lý về điều kiện, tiêu chuẩn bệnh binh; về chế độ ưu đãi với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; về chế độ ưu đãi đối với thân nhân của thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học...

Với sự thống nhất rất cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua pháp lệnh với tỷ lệ tán thành đạt 100%.

Cũng trong sáng 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2020; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến về chương trình hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các nhóm nghị sỹ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và Văn phòng Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục