Ngày 11/7, Phiên họp thứ 50 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết phiên họp thứ 50 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII diễn ra trong hai ngày, từ 11-12/7, nếu không có gì đột xuất đây là phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Để chuẩn bị những công việc cần thiết cho kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 20/7, Phiên họp thứ 50 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm các nội dung sau:
Các đại biểu cho ý kiến về về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV; cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và những biện pháp cho 6 tháng cuối năm; cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2017, dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017 và dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
Cùng với đó, các đại biểu cho ý kiến về cơ cấu, tổ chức và thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; về dự thảo nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng và cho ý kiến về việc chuyển kênh Truyền hình Quốc hội từ Đài Tiếng nói Việt Nam về Văn phòng Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phần mở đầu phiên họp sáng 11/7. Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Trí Dũng đã trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.
Tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016; Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.
Tại phiên họp buổi sáng, các đại biểu đã cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ; cho rằng 6 tháng đầu năm Chính phủ đã có chỉ đạo điều hành quyết liệt đối với những vấn đề cụ thể, kịp thời thực hiện các giải pháp để tháo gỡ những vấn đề nổi cộm, từ đó có sự lan tỏa tới các địa phương, bộ, ngành.
Thảo luận về Báo cáo của Chính phủ, các đại biểu đã tập trung đánh giá về tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 đạt ở mức 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (6,32%) nhưng cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ 3 năm trước đó. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt thấp nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng. Đặc biệt tăng trưởng khu vực nông, lâm, thủy sản giảm (- 0,18%).
Theo báo cáo của Chính phủ, sự giảm sút của hai khu vực nông nghiệp và công nghiệp làm cho tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm giảm 0,8 điểm phần trăm so với mức tăng cùng kỳ năm trước chủ yếu là do thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường biển; giá dầu giảm nên Chính phủ đã chỉ đạo chủ động giảm sản lượng khai thác dầu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, trong bối cảnh tình hình hiện nay, dự báo 6 tháng cuối năm sẽ còn những khó khăn và thách thức, nếu các cấp, ngành không phấn đấu, nỗ lực và có sự chỉ đạo kiên quyết, sát sao, tập trung khắc phục các khó khăn sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội đề ra là 6,7%.
Cũng tại phiên họp sáng 11/7, các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp trong phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng 6 tháng cuối năm; trong đó nhấn mạnh đến triển khai các chính sách ưu đãi đối với gia đình người có công; chia sẻ khó khăn với người dân sau sự cố về thiên tai hạn hán, chính sách ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất tại vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.../.