Sáng 10/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì khai mạc Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc trong bối cảnh dịch COVID-19 tái bùng phát và có diễn biến phức tạp hơn.
Với kinh nghiệm đã có, cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở, nhất là ở các địa phương, với sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, cả hệ thống chính trị tiếp tục đoàn kết, đồng lòng với tâm thế bình tĩnh, quyết liệt, khẩn trương và tập trung cao độ để khoanh vùng, kiểm soát lây nhiễm, xử lý kịp thời.
Cùng với sự hy sinh, dốc lòng, dốc sức của đội ngũ tuyến đầu chống dịch, người dân, cộng đồng xã hội đã nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, tự giác, chủ động, chung tay, góp sức cùng chính quyền và các đoàn thể trong phòng, chống dịch.
[Ngày 10/8 khai mạc Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội]
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ các cơ quan, tổ chức cũng phải nỗ lực thích ứng với tình hình hiện nay để có kế hoạch triển khai và hoàn thành tốt những nhiệm vụ của những tháng cuối năm 2020.
Các cơ quan của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau, với các cơ quan, tổ chức hữu quan để chủ động điều hành linh hoạt lịch làm việc để bảo đảm các nội dung trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo dự kiến, chương trình Phiên họp thứ 47 tiến hành trong ba ngày để xem xét, cho ý kiến về các dự án Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Biên phòng Việt Nam (sửa đổi); Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm hệ thống miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc ban hành Nghị định về quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội; Chiến lược phát triển kiểm toán nhà nước đến năm 2030; báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Chủ tịch Quốc hội cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn 2 vấn đề để chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xung quanh vấn đề phục hồi kinh tế và giải ngân vốn đầu tư công; về biện pháp bảo đảm an sinh xã hội trong phòng chống dịch, nhất là những gói cứu trợ đã đưa ra.
Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ tập trung phòng chống dịch, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định dành thời gian cho các bộ trưởng thực hiện các việc thường xuyên và đột xuất, không tiến hành chất vấn.
Về dự án Luật Cư trú (sửa đổi)
Sau khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Cư trú (sửa đổi) với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Theo Báo cáo Một số vấn đề lớn xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày, dự án Luật Cư trú (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ chín.
Tại Kỳ họp thứ chín, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành không quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương; có ý kiến tán thành nhưng đề nghị cần có lộ trình cụ thể cho việc thực hiện tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để bảo đảm sự đáp ứng của cơ sở hạ tầng, các dịch vụ thiết yếu tại đô thị lớn.
Có ý kiến đề nghị vẫn cần duy trì điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương như luật hiện hành.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với đề nghị của Chính phủ và kiến nghị của các cơ quan trực tiếp đăng ký, quản lý cư trú ở các thành phố trực thuộc Trung ương đã được khảo sát về việc không cần thiết quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc Trung ương như trong luật hiện hành.
Việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú.
Đồng thời, việc thực hiện quy định nói trên của Luật Cư trú thời gian qua cho thấy chính sách này cũng chưa thực sự hiệu quả vì chỉ hạn chế được số lượng người đăng ký thường trú chứ không hạn chế được người dân chuyển đến lao động, học tập, sinh sống thực tế tại các đô thị lớn.
Hơn nữa, so với quy định hiện hành, điều kiện đăng ký thường trú áp dụng chung cho tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dự thảo luật đã bổ sung điều kiện về diện tích bình quân tối thiểu của nơi ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nên thực chất đối với thành phố trực thuộc Trung ương chỉ là bỏ điều kiện về thời gian tạm trú để được đăng ký thường trú. Như vậy, sẽ chỉ tăng số người dân có đăng ký thường trú chứ hầu như không dẫn đến tăng dân số cơ học.
Để giải quyết vấn đề đặt ra đối với các đô thị lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, nên tập trung vào các giải pháp có tính tổng thể về quy hoạch, về chính sách phát triển kinh tế-xã hội, phát triển vùng, các đô thị vệ tinh, bảo đảm cân đối về phân bổ nguồn lực, thực hiện nghiêm việc di dời các nhà máy, trường đại học, bệnh viện ra ngoại thành, không xây dựng các khu chung cư tập trung cao tầng ở khu vực nội thành...; hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính, mệnh lệnh, có tính chất phân biệt đối xử giữa các vùng, miền, nông thôn, đô thị.
Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu ý kiến, điều kiện về thời gian tạm trú theo quy định hiện hành chỉ áp dụng cho các thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là rào cản của công dân đang thực sự sinh sống tại các thành phố trực thuộc Trung ương.
Quy định này tạo ra sự phân biệt đối xử bất bình đẳng giữa các công dân. Do vậy không nên tiếp tục giữ các quy định này. Việc dùng quy định này để hạn chế số người nhập cư vào các thành phố lớn cũng không hợp lý.
Trên thực tế, điều này không hạn chế được người dân di cư vào các thành phố lớn, người dân cũng không cần đăng ký thường trú.
Trước đây, người dân phải có đăng ký thường trú mới có quyền mua nhà, nay người dân không cần có thường trú cũng có thể mua được nhà, con cái họ vẫn có thể đi học.
Những thủ tục ấy chỉ gây thêm khó khăn cho người dân, thực tế cũng chưa có trường hợp cháu bé nào không được đi học khi không có hộ khẩu.
Qua tổng điều tra dân số năm 2019, Đà Nẵng mới chỉ có dân số 1,3 triệu người; Cần Thơ chỉ có 1,2 triệu người, chưa đạt yêu cầu quy định thành phố trực thuộc Trung ương phải có dân số 1,5 triệu trở lên.
Theo thống kê, dân số đô thị mới chiếm 34,4%, không đạt được mục tiêu theo quyết định 1659 ngày 7/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020, phấn đấu đến 2020 đạt 45% dân số đô thị. Vì vậy, những biện pháp, những rào cản để hạn chế người dân vào thành phố là không bảo đảm cho sự phát triển trên thực tế của Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhắc lại quan điểm cần tạo điều kiện thông thoáng nhất, thuận lợi nhất cho người dân về nơi sinh sống, học tập mà vẫn quản lý được.
Nhất trí với đề nghị của Chính phủ và Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, không thể ngăn dân vào thành phố do điều kiện về thường trú. Cần quản lý theo hướng giảm bớt giấy tờ không cần thiết cho dân.
Bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư,Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh Bộ Công an đã có quan điểm rất mới, mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính.
Theo Chủ tịch Quốc hội, phần lớn các nước trên thế giới đã quản lý bằng thẻ căn cước công dân, số định danh cá nhân. Quyền tự do cư trú, tự do đi lại đã được Hiến pháp quy định. Do đó, cái gì tiến bộ, hiện đại, thuận tiện cho người dân thì phải làm, cần tránh những thủ tục hành chính rườm rà.
Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính./.