Sáng 23/3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì khai mạc Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tham dự có các Phó Chủ tịch Quốc hội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân cho biết, Phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ báo cáo về tình hình dịch COVID-19 và các giải pháp, phương án phòng, chống dịch của Việt Nam.
Ủy ban sẽ cho ý kiến về 7 dự án luật, trong đó có 6 dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua là: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; xem xét cho ý kiến dự án Luật Biên phòng Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 4 nội dung thuộc lĩnh vực tài chính ngân sách gồm: việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016-2020; việc điều chuyển một phần nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của Tổng cục Thuế sang Tổng cục Dự trữ nhà nước, Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Học viện Tài chính; cơ chế quản lý tài chính và thu nhập gắn với đặc thù của các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 quy định chi tiết về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh; việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2020 của Văn phòng Trung ương Đảng và Bộ Ngoại giao.
Tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ, đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành thực hiện tốt nhất nhiệm vụ thời gian qua.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian qua tất cả các công việc của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều phối hoạt động của lãnh đạo Quốc hội thường xuyên, liên tục, không gián đoạn thông qua các biện pháp, ứng dụng công nghệ thông tin; các Ủy ban của Quốc hội cho ý kiến các dự thảo luật và gửi đến các cơ quan chủ trì thẩm tra để chuẩn bị cho Phiên họp thứ 43.
[Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe báo cáo về phòng, chống COVID-19]
Chủ tịch Quốc hội đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc cũng như các Ủy ban của Quốc hội; đồng thời cho biết, thời gian qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên tục theo dõi, đánh giá cao sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong việc tổ chức tốt các hoạt động đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trong công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng như những nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, gửi lời cảm ơn những cán bộ, chiến sỹ, y bác sỹ, trong đó có những y bác sĩ đã về hưu xung phong trở lại làm việc, các cơ quan thông tấn, báo chí, cùng các cơ quan hữu quan, những doanh nghiệp khách sạn, nhân viên khách sạn tình nguyện đón nhận, chăm sóc người thực hiện cách ly y tế..., đã có những nỗ lực góp phần vào công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn đồng hành, sẵn sàng tạo điều kiện để Chính phủ thực hiện tốt nhất các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bằng nhiều giải pháp cụ thể, đến nay về cơ bản Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn và không ít rủi ro đòi hỏi công tác phòng, chống dịch phải tiếp tục được thực hiện đồng bộ, quyết liệt và phải có các giải pháp phù hợp với thực tiễn.
Những kinh nghiệm, bài học bước đầu có thể rút ra qua giai đoạn 1 cần được tiếp tục phát huy, trong đó phải kể đến là sự lãnh đạo, chỉ đạo, động viên kịp thời sát sao của Đảng, Nhà nước từ cấp cao nhất. Nhờ vậy, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, đặc biệt là lực lượng Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân và ngành Y tế.
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhận được sự đồng tình, ủng hộ, tham gia của nhân dân. Người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong phòng chống dịch, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng; tranh thủ được sự chia sẻ, ủng hộ của các tổ chức quốc tế, ASEAN, các quốc gia trong phòng, chống dịch COVID-19.
Việt Nam kiên trì nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn-Phát hiện-Cách ly-Khoanh vùng-Dập dịch (đặc biệt chú trọng khâu phát hiện) và nguyên tắc "4 tại chỗ," điều trị phân tán.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, thực tế vừa qua cũng chỉ ra những vấn đề cần chấn chỉnh, rút kinh nghiệm như công tác truyền thông có thời điểm, có nơi còn chưa thật tốt; việc quản lý, mua sắm, sản xuất vật tư, thiết bị (ví dụ như khẩu trang y tế) còn không ít vướng mắc, chậm trễ do quá cứng nhắc trong áp dụng các quy định; việc điều chỉnh chương trình, thời gian, phương thức học (qua mạng) của học sinh còn chưa thật chủ động, thống nhất; cơ chế phối hợp liên ngành trong một số khâu, địa điểm còn chưa nhuần nhuyễn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích, tình hình dịch COVID-19 hiện nay có nhiều điểm mới, khác so với giai đoạn ban đầu cần được lưu ý để có những giải pháp cụ thể phù hợp.
Vì vậy, ngoài các giải pháp như đã thực hiện ở giai đoạn trước đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần phải tăng cường, chú trọng hơn các nhóm giải pháp là tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp; ứng dụng công nghệ thông tin; năng lực xét nghiệm, huy động sự tham gia của người dân để rút ngắn thời gian cần thiết để phát hiện người có nguy cơ lây nhiễm ngay từ khi nhập cảnh, trong khu cách ly và trong cộng đồng.
Việc tăng cường năng lực xét nghiệm là rất cấp bách (hiện Việt Nam đã chủ động được kit thử nhưng số lượng phòng xét nghiệm, máy móc, chuyên gia xét nghiệm còn rất ít so với các nước phát triển và so với yêu cầu); tăng cường trách nhiệm của chính quyền, y tế cơ sở trong việc tiếp cận, tuyên truyền, hướng dẫn phân nhóm người dân thực hiện các biện pháp tự phòng dịch và chăm sóc sức khỏe.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý đến việc chú ý nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật để có sự hỗ trợ y tế cần thiết tại chỗ. Cùng với đó là đảm bảo cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị cho tình huống nhiều người phải được cách ly (tập trung, tại gia đình) nhiều người mắc bệnh để thực hiện cách ly, điều trị hiệu quả, giảm tối thiểu tỷ lệ tử vong do nhiễm bệnh; đồng thời vẫn phải đảm bảo điều trị đối với các bệnh nhân khác.
Chủ động chuẩn bị, thúc đẩy các giải pháp phù hợp trong trường hợp bệnh dịch trên thế giới kéo dài nhằm phát triển sản xuất kinh doanh và đảm bảo các dịch vụ liên quan nhiều tới người dân như y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền vận động để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch, sản xuất kinh doanh, sinh hoạt lành mạnh trong điều kiện có dịch; tăng cường tuyên truyền để khơi dậy ý thức trách nhiệm của người dân với cộng đồng với đất nước; đấu tranh chống lại các tin độc, tin xấu...
Tiếp theo, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi)./.