Khai mạc Lễ hội Trà và Tuần Văn hóa Du lịch huyện Tân Uyên lần thứ nhất

Lễ hội là cơ hội để Tân Uyên giới thiệu sản phẩm chè, sản phẩm OCOP, sản phẩm văn hóa du lịch và nông sản đặc trưng cùng những thế mạnh về văn hóa, con người và thiên nhiên được tạo hóa ban tặng.
Chương trình nghệ thuật với chủ đề "Tân Uyên-Hương sắc miền Trà." (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Tối 12/4, Ủy ban Nhân dân huyện Tân Uyên (Lai Châu) tổ chức Lễ hội Trà và Tuần Văn hóa-Du lịch huyện lần thứ nhất năm 2024.

Dự lễ khai mạc có lãnh đạo tỉnh Lai Châu; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương của tỉnh và các huyện Văn Bàn, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La), Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) cùng đông đảo nhân dân, du khách.

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Tân Uyên được thành lập từ ngày 1/1/2009. Vùng đất này là nơi hội tụ, lưu truyền, hòa quyện bản sắc của các dân tộc Thái, Mông, Lào, Dao, Khơ Mú và các dân tộc khác; cùng nhau làm nên một huyện Tân Uyên đậm đà bản sắc văn hóa, vừa lung linh, đa sắc màu, vừa có những nét độc đáo làm phong phú thêm nền văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Tân Uyên còn là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều lợi thế với khí hậu trong lành, mát mẻ phù hợp với phát triển nông nghiệp, đặc biệt là thổ nhưỡng và khí hậu rất thích hợp cho cây chè phát triển.

Bằng sức sống mãnh liệt, khí chất tự nhiên, cây chè đã gắn bó với đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện hơn 50 năm qua, hòa chung nhịp sống của đồng bào, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của nhiều hộ gia đình.

Chè ở Tân Uyên được nuôi dưỡng từ khí trời, từ mạch nước nguồn của dãy núi Hoàng Liên, từ những bàn tay chăm chỉ của người dân lao động.

Cây chè có sức sống mãnh liệt, bền bỉ, thủy chung gắn bó với bao thế hệ người dân. Chè đã trở thành cây mũi nhọn, cây làm giàu đưa Tân Uyên thành vùng trọng điểm chè có diện tích lớn nhất của tỉnh Lai Châu.

Trong những năm gần đây, nhiều cơ sở sản xuất chè trên địa bàn huyện đã có những sản phẩm chè OCOP 3 sao, 4 sao; có những sản phẩm chè đã trở thành thương hiệu và được phân phối phân phối rộng rãi trên thị trường, là niềm tự hào hào của mỗi người dân Tân Uyên.

Lễ hội lần này là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội để huyện Tân Uyên giới thiệu, quảng bá sản phẩm chè, sản phẩm OCOP, sản phẩm văn hóa du lịch và nông sản đặc trưng, cùng những tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, con người và thiên nhiên được tạo hóa ban tặng.

Đến với Lễ hội, du khách sẽ được tham quan, thưởng lãm không gian văn hóa rực rỡ sắc màu của các dân tộc trên địa bàn huyện, thả hồn trong hương sắc cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp, giao hòa với những nét văn hóa truyền thống, những tình cảm nồng hậu, thân thiện của đồng bào các dân tộc; khám phá những nét độc đáo của văn hóa ẩm thực, trải nghiệm những trò chơi dân gian, thi hái chè, sao chè, thưởng trà… cùng nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc khác.

Thông qua lễ hội, huyện Tân Uyên hy vọng địa phương sẽ là một điểm đến “an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng” trong lòng du khách và bè bạn gần xa trên hành trình khám phá văn hóa, du lịch tỉnh Lai Châu nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Uyên Nguyễn Thanh Văn trao Giấy khen cho các tập thể, hộ gia đình tiêu biểu trong chế biến, sản xuất chè trên địa bàn huyện. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Tại lễ khai mạc, đã diễn ra chương trình nghệ thuật với chủ đề “Tân Uyên – Hương sắc miền Trà” với nhiều màn hát múa đặc sắc mang đậm dấu ấn từng vùng đất, con người Tân Uyên.

Trong khuôn khổ sự kiện còn diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao và các hoạt động nổi bật khác như: trưng bày, giới thiệu sản phẩm chè; các sản phẩm OCOP; sản phẩm văn hóa, du lịch và sản phẩm đặc trưng của các xã, thị trấn trong huyện và các huyện trong và ngoài tỉnh; trưng bày tranh, ảnh về đất và người Tân Uyên với chủ đề “Hương sắc Tân Uyên-một điểm nhớ.”

Theo kế hoạch, Lễ hội Trà và Tuần Văn hóa-Du lịch huyện Tân Uyên sẽ diễn ra đến hết ngày 14/4./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục