Khai mạc Lễ hội cam Cao Phong lần thứ hai tại tỉnh Hòa Bình

Lễ hội cam Cao Phong lần thứ hai có hơn 200 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia với quy mô 350 gian hàng; trong đó, có 80 gian hàng trưng bày và bán sản phẩm cam quýt, bưởi các loại.
Vườn cam của anh Trần Văn Tuyên, tổ 4, thị trấn Cao Phong có diện tích 7ha cho thu hoạch hơn 5 tỷ đồng/năm. (Ảnh: Nhan Sinh/TTXVN)

Ngày 13/11, tại Nhà văn hóa huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình tổ chức khai mạc Lễ hội cam Cao Phong lần thứ hai và Hội chợ nông nghiệp-du lịch-thương mại vùng Tây Bắc năm 2016.

Cây cam là cây chủ lực đã mang lại hiệu quả kinh tế của huyện Cao Phong. Năm 2014, sản phẩm cam Cao Phong được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý; năm 2016 được Viện sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư “Tốp 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ năm” tạo bước đột phá trong định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình.

Huyện Cao Phong có hơn 2.000ha cây ăn quả có múi, trong đó diện tích thời kỳ kinh doanh là 900ha, sản lượng 23.000 tấn, giá trị thu nhập khoảng 700 triệu đồng/ha. Diện tích cây ăn quả có múi của tỉnh Hòa Bình đạt 6.294ha; trong đó cam, quýt là 3.588ha, bưởi các loại 2.700ha. Sản lượng cây có múi năm 2016 đạt 60.000 tấn; mía các loại 7.758ha. Ngoài ra, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh có 2.800ha, sản lượng 7.500 tấn đã và đang mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Lễ hội và hội chợ này nhằm quảng bá, giữ gìn và nâng cao thương hiệu cam Cao Phong; phát triển giao thương các tỉnh vùng Tây Bắc, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết hợp tác, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, liên danh, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại, đẩy mạnh các hoạt động du lịch vùng miền.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ghi nhận kết quả đạt được của tỉnh Hòa Bình trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, với 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới, cao nhất vùng Tây Bắc.

Hòa Bình đã khai thác và tận dụng lợi thế, dư địa trong phát triển nông nghiệp hàng hóa; trong đó, du lịch dịch vụ, nông nghiệp chất lượng cao làm nền tảng. Tỉnh Hòa Bình đã có hướng đi đúng trong phát triển cây ăn quả, chăn nuôi là sản phẩm chủ lực có cơ hội phát triển và vươn xa để nhân dân Hòa Bình có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Bộ trưởng đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tỉnh Hòa Bình tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới. Hòa Bình sẽ có thêm nhiều sản phẩm ngoài cam như mía, rau sạch, chăn nuôi đặc sản cá lòng hồ… góp phần phát triển kinh tế đất nước ngày càng phát triển.

Lễ hội cam Cao Phong và Hội chợ nông nghiệp-du lịch-thương mại vùng Tây Bắc được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh và là một trong chuỗi hoạt động chào mừng Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh.

Lễ hội có hơn 200 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia với quy mô 350 gian hàng; trong đó, có 80 gian hàng trưng bày và bán sản phẩm cam quýt, bưởi các loại; gian hàng thưởng thức các sản phẩm cam; gian hàng trưng bày vật tư nông nghiệp; 80 gian hàng nông nghiệp, du lịch; hơn 100 gian hàng thương mại tổng hợp và 40 gian hàng ẩm thực truyền thống đặc sắc của tỉnh Hòa Bình và các tỉnh vùng Tây Bắc gồm nhiều món ăn truyền thống như thắng cố Lào Cai, cá nướng sông Đà, gà đồi, rau đồ, lợn quay...

Trong chương trình lễ hội cam Cao Phong và Hội chợ nông nghiệp-du lịch-thương mại vùng Tây Bắc năm 2016, sẽ diễn ra các hoạt động triển lãm, trưng bày; xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, trao giấy chứng nhận sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap cho các hộ sản xuất cam, thăm quan mô hình sản xuất tiêu biểu; các hoạt động liên kết, ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giao lưu văn nghệ, thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực dân tộc…

Lễ hội cam Cao Phong lần thứ hai và Hội chợ nông nghiệp-du lịch-thương mại vùng Tây Bắc năm 2016 sẽ diễn ra đến ngày 20/11 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục