Khóa họp thường kỳ lần thứ 46 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã chính thức khai mạc ngày 22/2 tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ) dưới sự chủ trì của Đại sứ Nazhat Shameem Khan - Đại diện thường trực của Fiji tại Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva.
Bốn Phó Chủ tịch của Hội đồng là Keva Lorraine Bain (Bahamas), Ali ibn Abi Talib Abdelrahman Mahmoud (Sudan), Monique T.G. Van Daalen (Hà Lan) và Yuri Borissov Sterk (Bulgaria).
Mở đầu phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc Nazhat Shameem Khan đã chào mừng tất cả những người tham gia đồng thời nhấn mạnh rằng đây là phiên họp trực tuyến gần như hoàn toàn đầu tiên của Hội đồng.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Volkan Bozkir lưu ý rằng đại dịch COVID-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng y tế, mà còn là một cuộc khủng hoảng nhân quyền và do đó tất cả các phản ứng phải đảm bảo rằng quyền con người là trung tâm, như đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng đối với vắcxin.
Phát biểu trực tuyến tại phiên khai mạc, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh nhân quyền là huyết mạch, là con đường để giải quyết căng thẳng và hướng tới hòa bình lâu dài. Nhân quyền đang ở tuyến đầu nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống lại nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống để xây dựng một thế giới phẩm giá và cơ hội cho tất cả mọi người. Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc chính là trung tâm toàn cầu để giải quyết các thách thức về quyền con người và tập trung vào việc bảo vệ quyền của những cộng đồng thiểu số.
Đại dịch COVID-19 đã làm sâu sắc thêm những ngăn cách, lỗ hổng và sự bất bình đẳng từng có, đồng thời tạo ra những rạn nứt mới, làm trầm trọng thêm tình trạng phân biệt đối xử.
[Việt Nam dự Khóa họp thường kỳ lần thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền LHQ]
Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên đảm bảo công bằng trong các nỗ lực tiêm chủng, đặt nhân quyền vào trung tâm khuôn khổ các quy định và luật pháp, phát triển và sử dụng công nghệ kỹ thuật số hướng tới một tương lai kỹ thuật số an toàn, công bằng và cởi mở. Chỉ có 10 quốc gia hiện đã sử dụng 75% tổng số vắcxin ngừa COVID-19 và hơn 130 quốc gia chưa có được một liều vắcxin nào. Công bằng về vắcxin cũng chính là vấn đề nhân quyền.
Bà Michelle Bachelet - Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc cũng lưu ý rằng đại dịch COVID-19 đã bộc lộ rõ thực tế chết người của sự phân biệt đối xử, tác động y tế của đại dịch hiện còn lâu mới kết thúc, trong khi tác động đối với kinh tế, tự do, xã hội và mọi người mới chỉ bắt đầu.
Đại diện nước chủ nhà, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazio Cassis tuyên bố rằng tất cả các khu vực trên thế giới đều chứng kiến sự gia tăng bất bình đẳng. Các tiến bộ đạt được trong Chương trình nghị sự về sự phát triển bền vững đang bị đe dọa. Đại dịch đã khiến tất cả mọi người nhận thức được các quyền tự do cá nhân có ý nghĩa thế nào, đồng thời cho thấy mức độ rủi ro của những quyền tự do này.
Hội đồng Nhân quyền là một cơ quan liên chính phủ trong hệ thống Liên hợp quốc, bao gồm 47 quốc gia, có trách nhiệm tăng cường thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn cầu.
Hội đồng được Đại hội đồng Liên hợp quốc thành lập vào ngày 15/3/2006 với mục đích chính là giải quyết các tình huống vi phạm nhân quyền và đưa ra các khuyến nghị. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc là cơ quan thư ký của Hội đồng Nhân quyền.