Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu” đã chính thức khai mạc sáng 15/12, tại Hà Nội.
Hội thảo do Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì tổ chức, trên cơ sở phối hợp với các bộ, ngành và trung tâm nghiên cứu lớn.
Tham dự phiên khai mạc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương; các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Từ xa xưa, người Việt Nam và văn hóa Việt Nam luôn gắn với sự sáng tạo, tinh thần cởi mở, cầu thị, giao lưu, tiếp thu với các dân tộc khác để hòa mình với dòng chảy văn minh của thời đại mà không mất đi nét riêng có của mình.
Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, sự giao lưu ấy càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.
Trong những năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức toàn diện, được cộng đồng quốc tế đánh giá là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ 2 trên thế giới.
Điều đáng ghi nhận là sự tăng trưởng ấy dành cho con người, đặc biệt là dành cho những người yếu thế. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những điểm sáng thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong công tác chuẩn bị thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Có được những thành tựu đó, ngoài sự nỗ lực không mệt mỏi của người dân Việt Nam còn nhờ sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế, trong đó có các nhà khoa học quốc tế.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng bày tỏ sự biết ơn tới những nhà khoa học nghiên cứu về Việt Nam học, những người không chỉ có lòng say mê khoa học, có trí tuệ, mà đặc biệt có tấm lòng nồng hậu, luôn dành tình cảm tốt đẹp cho Việt Nam.
Những nghiên cứu, đánh giá và khuyến nghị của các nhà khoa học đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước hoạch định, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển đất nước.
Không những vậy, các nhà khoa học cùng với các hội thảo Việt Nam học được tổ chức trong những năm qua còn là cầu nối quan trọng giữa Việt Nam với thế giới, làm cho thế giới nhìn nhận, đánh giá Việt Nam tường tận hơn, chính xác hơn.
Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và kinh tế thị trường ngày nay, bản thân nền kinh tế thị trường và hội nhập cũng có những mặt trái, có tác động tiêu cực đến xã hội, đến văn hóa.
Là một nước đang phát triển, yêu cầu của Việt Nam là phải phát triển với tốc độ nhanh nhất để có thể theo kịp các nước trên thế giới, nhưng điều quan trọng là phát triển nhanh nhưng phải bền vững.
Những vấn đề đang đặt ra hiện nay là sự cạn kiệt về tài nguyên, ô nhiễm môi trường; sự bất bình đẳng trong tiếp cận những dịch vụ cơ bản giữa các nhóm dân cư; đạo đức xã hội bị xói mòn; những giá trị truyền thống tốt đẹp bị che mờ bởi những đòi hỏi mang nhiều tính bản năng của con người…
Phó Thủ tướng cho rằng trong thế giới ngày nay, hòa bình và hợp tác là xu thế chủ đạo nhưng những nguy cơ cũng luôn tiềm ẩn như xung đột về chủ quyền, lãnh thổ, tôn giáo, những vấn đề an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, bệnh dịch.
Những vấn đề này đòi hỏi các dân tộc cùng chung tay trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, lợi ích và văn hóa của các nước.
Phó Thủ tướng khẳng định để Việt Nam tiếp tục phát triển trong những năm tới, giải pháp quan trọng là cần phát huy cá nhân sáng tạo, đổi mới hệ thống sáng tạo của đất nước, tận dụng được những lợi thế của khoa học công nghệ, chú trọng các yếu tố để phát triển bền vững.
Có như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng được một Việt Nam không giàu về vật chất như nhiều nền kinh tế trên thế giới nhưng giàu về văn hóa, là nơi người dân cảm thấy hạnh phúc và nhiều người khác muốn được trở về.
Để làm được những việc này, rất cần những luận cứ khoa học, các đánh giá, khuyến nghị của các nhà khoa học.
Những vấn đề mang tính lâu dài như giao lưu văn hóa, đối ngoại, biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ… được các nhà khoa học đề cập tại hội thảo lần này, sẽ đưa ra được những khuyến nghị hữu ích, thiết thực cho việc hoạch định chính sách của Việt Nam.
Ngay sau phiên khai mạc, các học giả trong nước và quốc tế đã thảo luận về 6 nhóm lĩnh vực ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế; nguồn lực văn hóa; giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; chuyển giao tri thức và công nghệ; kinh tế và sinh kế; biến đổi khí hậu.
Phiên bế mạc hội thảo sẽ được tổ chức vào chiều 16/12. Kết quả của hội thảo sẽ được bàn giao cho các bộ, ban, ngành có liên quan, đóng góp trực tiếp đến việc hoạch định chủ trương, chính sách phát triển quốc gia./.