Khai mạc hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 25 tại Tây Ban Nha

Dự kiến, COP 25 tại Tây Ban Nha sẽ tập trung chủ yếu vào việc hoàn tất bộ quy tắc triển khai Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, để hiệp định này có thể được thực hiện từ năm 2021.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại cuộc họp báo ở Madrid, Tây Ban Nha ngày 1/12/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 2/12, Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) đã khai mạc tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, nơi lãnh đạo các nước trên thế giới đối mặt với sức ép ngày càng tăng để chứng minh quyết tâm chính trị trong việc đối phó với những tác động nghiêm trọng nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Hội nghị kéo dài hai tuần này diễn ra trong bối cảnh những tác động ngày càng gia tăng do Trái Đất ấm lên trong năm qua được phản ánh một cách rõ nét, với các vụ cháy rừng từ Bắc Cực và rừng nhiệt đới Amazon cho tới Australia cùng những siêu bão gây thiệt hại nghiêm trọng cho các khu vực nhiệt đới.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Khí hâu Ba Lan Micha Kurtyka nhấn mạnh làn sóng kêu gọi hành động vì khí hậu trong giới trẻ đã cho thấy tính cấp bách của nhiệm vụ này.

Ông thừa nhận có thể các nước trên thế giới vẫn chưa hành động đủ quyết liệt và "mong muốn của tôi đặc biệt đồng điệu với giới trẻ."

Ông nhấn mạnh: "Họ (giới trẻ) có can đảm thẳng thắn nói lên điều này và nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đã thừa hưởng hành tinh này từ cha mẹ chúng ta, và chúng ta cần trao hành tinh này cho các thế hệ tương lai."

Dự kiến, COP 25 tại Tây Ban Nha sẽ tập trung chủ yếu vào việc hoàn tất bộ quy tắc triển khai Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, để hiệp định này có thể được thực hiện từ năm 2021.

[LHQ cảnh báo khủng hoảng khí hậu đến điểm không thể cứu vãn]

Mục tiêu của Hiệp định Paris, được 197 quốc gia ký kết và 185 nước thông qua, là duy trì mức tăng nhiệt độ Trái Đất không vượt ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Ngoài ra, thỏa thuận cũng đặt mục tiêu các nước giàu đóng góp khoản ngân quỹ 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các dạng năng lượng tái sinh ít phát thải hơn.

Trước đó, báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc ngày 26/11 chỉ ra cam kết của các quốc gia về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới chỉ đạt 15% nỗ lực cần thiết để giới hạn nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C.

Để giữ mức nhiệt tăng ở ngưỡng an toàn, về lý thuyết lượng khí thải CO2 cần phải giảm 7,6% mỗi năm trong vòng một thập niên tới.

Tuy nhiên, giới khoa học cho rằng mục tiêu này dường như "bất khả thi" khi trên thực tế mức khí thải CO2 mỗi năm lại tăng lên một mốc kỷ lục mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục