Khai mạc hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc và các nước Trung Á

Trung Quốc cho biết kim ngạch thương mại với Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đạt 70 tỷ USD vào năm 2022 và tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý đầu tiên của 2023.
Khai mạc hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc và các nước Trung Á ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 5, phải) và Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov (thứ 6, trái) tại cuộc hội đàm ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc ngày 18/5. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo AFP, ngày 18/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khai mạc hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Trung Á.

Được tổ chức tại thành phố cổ Tây An của Trung Quốc, Bắc Kinh cho biết hội nghị thượng đỉnh này có "ý nghĩa quan trọng." Đây là lần đầu tiên diễn ra một hội nghị như thế kể từ khi Trung Quốc thiết lập quan hệ chính thức với các nước này 31 năm trước.

Ngoài việc tham dự hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon và Tổng thống Shavkat Mirziyoyev của Uzbekistan cũng lần lượt có các chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 16-20/5.

Các động thái ngoại giao này phản ánh rõ nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường quan hệ với các nước láng giềng Trung Á, khu vực được cho là đang dần đóng vai trò chiến lược của lục địa Á-Âu, cầu nối giữa phương Đông và phương Tây.

Hội nghị thượng đỉnh ra đời từ cơ chế hợp tác Trung Quốc+Trung Á (C+C5) được thành lập vào năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về hợp tác sâu rộng hơn giữa Trung Quốc và Trung Á.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các nhà lãnh đạo thảo luận sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-Trung Á, trao đổi quan điểm về việc hoàn thiện hơn nữa cơ chế Trung Quốc-Trung Á, hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau và các vấn đề lớn của khu vực cũng như quốc tế.

Các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ ký kết các văn bản chính trị quan trọng.

[Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh quan hệ với các nước Trung Á]

Trung Quốc cho biết kim ngạch thương mại với Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đạt 70 tỷ USD vào năm 2022 và tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý đầu tiên của năm 2023.

Tính đến cuối tháng Ba năm nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc vào khu vực này đạt khoảng 15 tỷ USD.

Trung Á cũng đã trở thành trọng tâm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc, một dự án địa chính trị đối với ông Tập Cận Bình.

Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ 2 thế giới, đã đầu tư hàng tỷ USD để khai thác trữ lượng khí đốt tự nhiên ở Trung Á, trong khi các tuyến đường sắt nối Trung Quốc với châu Âu chằng chịt khu vực này.

Các nhà phân tích nói rằng tại hội nghị thượng đỉnh tuần này, có thể sẽ có những nỗ lực nhằm đạt được các thỏa thuận nhằm mở rộng hơn nữa mạng lưới rộng lớn đó, bao gồm dự án xây dựng tuyến đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan trị giá 6 tỷ USD bị đình trệ từ lâu và việc mở rộng đường ống dẫn khí đốt từ Trung Á đến Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục