Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về tài trợ phát triển

Hội nghị thượng đỉnh về tài trợ phát triển nằm trong nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm chấm dứt đói nghèo và kiểm soát biến đổi khí hậu năm 2030.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: AFP)

Ngày 13/7, các nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp tại hội nghị thượng đỉnh về tài trợ phát triển, diễn ra ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, trong khuôn khổ nỗ lực của Liên hợp quốc hướng tới chấm dứt đói nghèo trên toàn cầu và kiểm soát sự biến đổi khí hậu vào năm 2030.

Hội nghị diễn ra trong 5 ngày, với mục tiêu đặt ra các quy định nền tảng cho một thế giới tăng trưởng công bằng hơn, toàn diện và có tỷ lệ khí thải carbon thấp.

Theo đó quyết định cách thức lấp đầy khoảng trống khổng lồ về vốn đầu tư cho các lĩnh vực phát triển bền vững chính tại các quốc gia đang phát triển, ước tính lên tới 2,5 nghìn tỷ USD/năm.

Khoản đầu tư này sẽ giúp cơ quan thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) thúc đẩy 17 mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2015-2030, trong đó có mục tiêu chấm dứt đói nghèo và đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng bền vững trên toàn cầu, dự kiến sẽ chính thức được thông qua tại New York (Mỹ) vào tháng 10 tới.

Việc chọn Ethiopia làm quốc gia chủ trì hội nghị cho thấy tầm quan trọng của vấn đề trên đối với châu Phi, châu lục có 33 nước nằm trong nhóm 49 nước kém phát triển nhất thế giới.

Từng chịu ảnh hưởng nặng nề của nạn đói kinh hoàng 30 năm trước đây, song Ethiopia hiện là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đưa hàng triệu người dân thoát khỏi đói nghèo và đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng cũng như các dịch vụ công cộng.

Đây là lần thứ 3 hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về tài trợ phát triển được tổ chức, sau hai kỳ hội nghị tại thành phố Monterrey của Mexico năm 2002 và thủ đô Doha của Qatar năm 2008.

Các cuộc họp trù bị cho hội nghị, diễn ra tại New York, đã không đạt được sự thống nhất về kết quả chung mà hội nghị hướng tới. Trong nhóm các nước giàu, một số quốc gia đang vướng phải khó khăn về tài chính và không sẵn lòng tăng ngân sách đóng góp hối thúc các nước có nền kinh tế đang lên như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ chia sẻ gánh nặng này.

Một trong các vấn đề hóc búa mà hội nghị cần giải quyết là việc thành lập một tổ chức quốc tế về thuế trực thuộc Liên hợp quốc, nhằm đối phó với tình trạng các công ty đa quốc gia trốn thuế được cho là gây thiệt hại khoảng 100 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục