Ngày 22/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia thành phố phối hợp với Hiệp hội kỹ sư điện Nhật Bản (IEEJ) khai mạc Hội nghị quốc tế về lĩnh vực vi mạch (4S-2014/AVIC14).
Tham dự Hội nghị có hơn 250 đại biểu, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực vi mạch và hơn 50 giáo sư hàng đầu lĩnh vực thiết kế và chế tạo vi mạch đến từ Nhật Bản, Mỹ, Thụy Sĩ, Hàn Quốc…
Hội nghị 4S-2014/AVIC14 là một trong những sự kiện quan trọng trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin bao gồm hai phần chính: Hội nghị vi mạch và các công nghệ có liên quan lần thứ 3 (4S-2014) và Hội nghị thiết kế vi mạch VLSI dạng Analog (AVIC) lần thứ 17.
Sự kiện diễn ra hai năm một lần để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và kỹ sư, sinh viên trong nước gặp gỡ trao đổi thông tin, kinh nghiệm nghiệp vụ với các chuyên gia đồng nghiệp trên toàn thế giới; đồng thời kêu gọi sự tham gia của khối trường viện, doanh nghiệp trên toàn quốc nhằm tạo ra một hệ sinh thái cho sự phát triển khoa học công nghệ liên quan đến bán dẫn-vi mạch vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hơn 40 báo cáo khoa học đã được gửi đến tham luận tại các hội nghị, trong đó các đại biểu tập trung thảo luận hai chủ đề lớn: “Định hướng phát triển ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam” và “Nghiên cứu và Đào tạo trong lĩnh vực vi mạch” nhằm định hướng cho ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam từ vấn đề nghiên cứu cho ra sản phẩm đến đào tạo nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, 4 chủ đề cũng được các đại biểu trao đổi gồm: thiết kế vi mạch; công nghệ và linh kiện; hệ thống tích hợp IC; ứng dụng vi mạch. Ngoài ra, nhiều giáo sư, chuyên gia đến từ Nhật Bản đã bàn luận về chủ đề nghiên cứu mới là đóng gói vi mạch tại Nhật Bản.
Phát biểu tại phiên khai mạc, phó giáo sư, tiến sỹ Phan Thanh Bình, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, công nghiệp vi mạch bán dẫn là chuyên ngành cốt lõi của ngành công nghiệp điện tử; có mức tăng trưởng hàng năm hơn 10%.
Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam cũng như chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra những chính sách ưu đãi, tạo cơ chế thông thoáng nhằm thu hút sự đầu tư và tạo sự phát triển cho ngành công nghiệp còn khá non trẻ này.
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận thức rõ rầm quan trọng của ngành công nghiệp này và đã cố gắng tạo nhiều sự đột phá về lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm, đưa ứng dụng vào cuộc sống như Chip SG8V1 đầu tiên của Việt Nam do đội ngũ kỹ sư Việt Nam thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh thiết kế; hình thành các cộng đồng nghiên cứu về lĩnh vực vi mạch tại các trường Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học Tự nhiên…
Theo chương trình, Hội nghị 4S-2014/AVIC14 sẽ kết thúc vào ngày 24/10 tới./.