Khai mạc Hội nghị lần thứ 40 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X

Hội nghị lần này của Thành ủy diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, Thành phố đang cùng cả nước ngăn chặn nguy cơ, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân. (Ảnh: TTXVN phát)

Sáng 16/4, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa X đã tổ chức Hội nghị lần thứ 40.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ Hội nghị lần này của Thành ủy diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, thành phố đang cùng cả nước ngăn chặn nguy cơ, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Hội nghị được tổ chức tại 15 điểm cầu với nhiệm vụ tập trung thảo luận, đánh giá hoạt động chỉ đạo, lãnh đạo của Thành ủy; kết quả phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh, thu chi ngân sách của thành phố quý 1; phương hướng nhiệm vụ trọng tâm quý 2 và đến cuối năm 2020.

[TPHCM xác định rõ các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội]

Hội nghị cũng đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố với tinh thần nếu không thành công trong công tác phòng, chống dịch thì những công việc khác không thực hiện đúng theo kế hoạch.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, với sự chỉ đạo quyết liệt kịp thời của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cũng như Thành ủy, chính quyền thành phố, công tác phòng ngừa dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố đạt được những kết quả rất đáng mừng, bước đầu ngăn chặn được sự lây lan dịch ra cộng đồng.

Về tình hình phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh trong quý 1, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết do ảnh hưởng của dịch, các hoạt động kinh tế của thành phố bị ảnh hưởng, nhất là ngành dịch vụ có mức giảm mạnh do nhu cầu thấp.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, xuất khẩu của thành phố vẫn duy trì ổn định, trong đó có việc sản xuất các mặt hàng công nghiệp, xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài; bốn ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố vẫn duy trì ổn định việc sản xuất...

Điều này tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi của kinh tế thành phố tốt hơn, chuẩn bị cho chuyển sang trạng thái sống chung với người nhiễm nhưng không có dịch COVID-19.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh trọng tâm hàng đầu là thành phố cùng cả nước phòng, chống dịch COVID-19 thật tốt; kết quả đạt được sẽ là tiền đề để thực hiện những công việc khác.

Với những kinh nghiệm đã đạt được, Thành phố hoàn toàn có thể ngăn chặn tốt dịch bệnh với các mô hình, cách làm hiệu quả như kiểm soát người ra vào thành phố chặt chẽ, người có nguy cơ được cách ly kịp thời; đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên; các doanh nghiệp, cơ quan, ngành nghề xây dựng quy tắc ứng xử với dịch bệnh cho cơ quan, đơn vị của mình.

Cùng với công tác phòng, chống dịch, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý các cơ quan, quận huyện tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện tốt 10 nội dung trọng tâm đợt thi đua 200 ngày vì thành phố, vì cả nước đã được phát động đầu tháng 3/2020 vừa qua; tiếp tục công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp đúng tiến độ; đồng thời chuẩn bị điều kiện để quý 2 khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân sang trạng thái mới.

Tại hội nghị, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố, cho biết trong quý 1/2020, do ảnh hưởng dịch COVID-19 từ những ngày cuối tháng 1 đến nay vẫn còn đang diễn biến phức tạp, tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, đã tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của cả nước, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 3 tháng đầu năm ước đạt 335.682 tỷ đồng, tăng 0,42% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 7,64%). Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt 88.241 tỷ đồng, đạt 21,7 % dự toán và giảm 8,63% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý 1, Thành phố thu hút được 1,05 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giảm 33% so với cùng kỳ năm trước.

Về triển khai các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, theo ông Lê Thanh Liêm, ngay từ khi xuất hiện dịch bệnh và tiếp nhận chỉ đạo của Trung ương, lãnh đạo thành phố đã chủ động xây dựng các kịch bản phòng, chống, bám sát tình hình, điều chỉnh kịp thời các giải pháp qua từng giai đoạn diễn biến khác nhau của dịch bệnh; thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19 cấp thành phố và tại tất cả cơ quan, đơn vị.

Cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đều tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh. Thành phố kiên trì nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn-Phát hiện-Cách ly-Khoanh vùng-Dập dịch và phương châm 5 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; đảm bảo cơ sở cách ly, chữa trị, trang thiết bị, thuốc điều trị tại chỗ; đảm bảo nhân lực tại chỗ; kinh phí tại chỗ; xác định nhiệm vụ, phương án phòng chống dịch tại chỗ.

Bên cạnh đó, Thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là Chỉ thị 16/CT ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Thành phố thông qua chế độ chính sách cho các đối tượng do ảnh hưởng dịch bệnh với tổng kinh phí 2.753 tỷ đồng, trong đó sẽ chi hỗ trợ với mức 1 triệu đồng/người/tháng cho 600.000 lao động bị mất việc.

Thành phố đã thành lập Tổ công các hỗ trợ các doanh nghiệp trong tình dịch bệnh COVID-19; ban hành bộ Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm tại doanh nghiệp; công bố 1.073 điểm bán khẩu trang, 2.610 điểm bán các mặt hàng thiết yếu.

Thành phố cũng chỉ đạo cung ứng 7 triệu khẩu trang y tế, 40 triệu khẩu trang vải cho nhân dân; trang bị 10.000 bộ xét nghiệm có độ nhạy cao để sàng lọc, tầm soát rộng; chuẩn bị 36 khu cách ly tập trung với quy mô 24.000 giường; thiết lập hệ thống 4 cơ sở điều trị chuyên sâu COVID-19 với tổng quy mô 2.300 giường.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục