Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngày 4/6, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC) lần thứ 15 đã diễn ra tại tỉnh Luang Prabang, Bắc Lào, với sự tham dự của các bộ trưởng/trưởng đoàn phụ trách trụ cột Văn hóa-Xã hội của 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp làm trưởng đoàn đã tham dự và có các đóng góp tích cực cho hội nghị.
Tại hội nghị, các bộ trưởng /trưởng đoàn phụ trách trụ cột Văn hóa-Xã hội ASEAN đã tập trung xem xét những ưu tiên của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN trong năm Chủ tịch ASEAN 2016 của Lào, việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN đến năm 2025 và một số vấn đề khác có liên quan.
Trong bối cảnh ASEAN đã chính thức trở thành một cộng đồng chung với việc hoàn thành những nhiệm vụ đề ra trong lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN năm vừa qua, các đại biểu hoan nghênh và đánh giá cao những ưu tiên của Lào đưa ra trong năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, đặc biệt là nỗ lực thúc đẩy các văn kiện của Cộng đồng để trình lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 sẽ diễn ra vào tháng 9/2016 sắp tới, bao gồm Tuyên bố Vientiane về Chuyển đổi từ việc làm không chính thức sang việc làm chính thức hướng tới thúc đẩy việc làm bền vững trong ASEAN; Tuyên bố Vientiane về Tăng cường hợp tác di sản văn hóa trong ASEAN; Tuyên bố ASEAN về một ASEAN một phản ứng chung: Phản ứng chung của ASEAN trước thảm họa trong và ngoài khu vực;
Tuyên bố chung của ASEAN về Đa dạng sinh học cho cuộc họp lần thứ 13 của Hội nghị các bên của Công ước về Đa dạng sinh học (2016) và Tuyên bố ASEAN về Tăng cường giáo dục cho trẻ em không đi học.
Kết thúc hội nghị, các đại biểu đã ra Tuyên bố chung và thống nhất các nội dung của hội nghị, đặc biệt là tiến độ hoàn thiện các văn kiện, tuyên bố cũng như việc thực hiện kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN 2015 để trình các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN xem xét, thông qua.
Tại hội nghị lần này, đoàn Việt Nam đã có những đóng góp tích cực được các bộ trưởng và trưởng đoàn phụ trách trụ cột Văn hóa-Xã hội ASEAN đánh giá cao.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp khẳng định, Việt Nam ủng hộ những ưu tiên và sáng kiến của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN trong năm Chủ tịch ASEAN 2016 của Lào.
Những văn kiện trình cấp cao thông qua lần này, đặc biệt là “Tuyên bố Viêng Chăn về Chuyển đổi từ việc làm không chính thức sang việc làm chính thức hướng tới thúc đẩy việc làm bền vững trong ASEAN,” có ý nghĩa hết sức quan trọng hướng vào những đối tượng yếu thế trong xã hội, đúng theo tinh thần xây dựng một xã hội chăm sóc và chia sẻ của ASEAN.
Tại Việt Nam, vấn đề việc làm không chính thức với tổng số lao động làm trong lĩnh vực này khoảng 37 triệu người, bao gồm cả trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề của trẻ bỏ học là những nội dung nhận được sự ưu tiên lớn của Chính phủ Việt Nam. Do đó, Việt Nam cho rằng thúc đẩy việc giải quyết những vấn đề này, cùng với ứng phó với thảm họa và thiên tai sẽ là những nội dung cần tăng cường hợp tác hơn nữa giữa các nước thành viên ASEAN cũng như giữa ASEAN và các nước đối tác.
Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của các quan chức cấp cao phụ trách Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN cũng như Ban Thư ký ASEAN trong việc điều phối, thúc đẩy triển khai các hoạt động của cộng đồng, đặc biệt là thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN 2025.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết trên cơ sở Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Kế hoạch Tổng thể của Cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, theo đề nghị của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với vai trò là đầu mối chủ trì Cộng đồng Văn hóa-Xã hội của Việt Nam, đã phê duyệt đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN đến năm 2025.
Đây là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam với vai trò là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong ASEAN. Bên cạnh đó, việc thực hiện đề án này tại Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy việc xây dựng một cộng đồng có sự tham gia của các bên liên quan, hòa nhập, tự lực tự cường và năng động./.