Khai mạc Hội nghị COP14 về đất ngập nước tại Trung Quốc và Thụy Sĩ

Công ước Ramsar, được đặt theo tên của thành phố Ramsar (Iran) nơi công ước được ký kết, là một hiệp định liên chính phủ dành riêng cho việc bảo tồn và sử dụng hợp lý các hệ sinh thái đất ngập nước.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Hội nghị lần thứ 14 Các bên tham gia công ước Ramsar về đất ngập nước (COP14) đã khai mạc tại Vũ Hán (Trung Quốc) và Geneva (Thụy Sĩ). Đây là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức tại Trung Quốc.

Hội nghị diễn ra từ ngày 5-13/11 theo hình thức cả trực tiếp và trực tuyến với địa điểm tổ chức chính tại Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc, và một phiên song song diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ.

Giám đốc văn phòng ủy ban điều hành cuộc họp Meng Xianlin cho biết hơn 1.000 đại biểu từ các bên ký kết và tổ chức quốc tế tham dự cuộc họp, thảo luận về sự phát triển trong tương lai của công ước.

Hội nghị cũng sẽ cập nhật danh sách các thành phố đất ngập nước và thành lập Trung tâm Rừng ngập mặn quốc tế ở Trung Quốc.

Công ước Ramsar, được đặt theo tên của thành phố Ramsar ở Iran nơi công ước được ký kết vào năm 1971, là một hiệp định liên chính phủ dành riêng cho việc bảo tồn và sử dụng hợp lý các hệ sinh thái đất ngập nước. Đến nay, công ước có 172 bên ký kết.

Các vùng đất ngập nước có vai trò rất quan trọng đối với tài nguyên nước và cuộc sống con người.

[Ngày Đất ngập nước thế giới: Bảo vệ phục hồi các vùng đất ngập nước]

Không chỉ đảm bảo nguồn cấp nước cho thế giới thông qua quá trình thu giữ và lưu trữ nước mưa, bổ sung vào các tầng chứa nước ngầm, điều tiết lượng nước, giữ cho lưu vực đầu nguồn trong lành cung cấp nước uống an toàn một cách tự nhiên, các vùng đất ngập nước cung cấp lương thực, thực phẩm hỗ trợ sản xuất, một lượng lớn thủy sản được đánh bắt từ các vùng đất ngập nước.

Nhiều nghiên cứu cho thấy đất ngập nước có thể làm giảm những tác động từ sự biến đổi khí hậu, mặc dù chúng chỉ chiếm 6-8% diện tích bề mặt Trái Đất.

Đặc biệt, các vùng đất ngập nước còn có khả năng chắn sóng làm giảm xói lở bờ biển, giảm thiệt hại do bão, lũ và sóng thần ở vùng ven biển.

Chính vì lý do này, thế giới đặc biệt chú trọng đẩy mạnh các giải pháp đầu tư vào bảo tồn, quản lý và phục hồi các vùng đất ngập nước để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội con người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục