Lễ khai mạc Hội nghị Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN lần thứ 4 đã diễn ra ngày 16/8, tại thành phố Đà Nẵng, với sự tham dự của đại diện 10 nước ASEAN.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ trải qua 43 năm hình thành và phát triển, ASEAN ngày nay đã trở thành một thực thể chính trị-kinh tế gắn kết, một tổ chức khu vực thành công, phát triển năng động, có vai trò quan trọng ở khu vực và là đối tác không thể thiếu của các nước và các tổ chức quốc tế lớn trên thế giới.
Để hiện thực hóa mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, một cộng đồng hài hòa về chính trị, liên kết về kinh tế và có trách nhiệm về xã hội, trong nhiều năm qua, cùng với việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế, các quốc gia ASEAN còn đẩy mạnh hợp tác về văn hóa, xã hội nhằm xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN.
Đó là một Cộng đồng đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia, các dân tộc ASEAN; chia sẻ, đùm bọc và rộng mở, không ngừng thu hẹp khoảng cách và xây dựng bản sắc chung ASEAN; một cộng đồng trong đó lấy con người làm trung tâm, luôn hướng tới phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống và sự phát triển của con người; tăng cường phúc lợi và bảo trợ xã hội; bảo đảm công bằng xã hội và các quyền cơ bản của con người; bảo đảm tính bền vững và thân thiện với môi trường.
Thủ tướng nhấn mạnh mặc dù mới chính thức đi vào hoạt động trong thời gian gần đây nhưng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội đã có rất nhiều hoạt động tích cực, đóng góp cho tiến trình hình thành cộng đồng ASEAN.
Cộng đồng đã xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động; xây dựng lộ trình và xác định các giai đoạn ưu tiên để thực hiện các kế hoạch; xây dựng các chương trình và đề ra các giải pháp để giải quyết nhiều vấn đề trọng yếu thuộc phạm vi của cộng đồng, nhất là về y tế, giáo dục, môi trường và đối phó với thách thức toàn cầu như khủng hoảng tài chính-kinh tế, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, thúc đẩy quyền con người, phát triển nguồn nhân lực…
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng đánh giá cao các hoạt động cũng như những thành tựu mà Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN đã đạt được trong thời gian qua.
Để xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN ngày càng hiệu quả, theo Thủ tướng, các nước ASEAN cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực và tiến hành các biện pháp phù hợp để thực hiện các cam kết và các ưu tiên đã được xác định trong Kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN, trong đó tập trung nguồn lực thích đáng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm tính thực thi hiệu quả các thỏa thuận.
Các nước cần coi trọng việc tăng cường điều phối và phối hợp hành động giữa các cơ quan thuộc Trụ cột Văn hóa-Xã hội, nhất là vai trò điều phối của Hội đồng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội, đồng thời có giải pháp bảo đảm nguồn lực để thực hiện kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN theo đúng lộ trình.
Trước hết các nước phải xây dựng một cơ chế thích hợp nhằm huy động và quản lý hiệu quả các nguồn lực, từ cả các nước thành viên cũng như các đối tác của ASEAN, trong đó quan tâm hơn sự tham gia của khu vực tư nhân...
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, tại hội nghị lần này các vị bộ trưởng, các vị trưởng đoàn, các chuyên gia sẽ tập trung thảo luận thống nhất được nhiều nội dung và biện pháp cụ thể nhằm triển khai các mục tiêu trong năm 2010 và những năm tiếp theo về xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN; cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện hai văn kiện quan trọng để trình thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN 17 vào tháng 10/2010 sắp tới. Đó là Tuyên bố về phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế và Tuyên bố về thúc đẩy phúc lợi và phát triển cho phụ nữ và trẻ em.
Hội nghị Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN lần thứ 4 (ASCC 4) tập trung thảo luận việc đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tổng thể Cộng đồng văn hóa-Xã hội từ Hội nghị ASCC lần thứ 3 (tháng 4/2010); trao đổi chia sẻ việc thực hiện các lĩnh vực ưu tiên đã xác định trong kế hoạch tổng thể của ASCC trong năm 2010, bao gồm đối phó với thách thức toàn cầu; phát triển nguồn nhân lực cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững; tăng cường phúc lợi đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng bản sắc văn hóa ASEAN.
Đặc biệt, Hội nghị ASCC lần thứ 4 đã xem xét và thông qua hai dự thảo văn kiện là Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng cho phục hồi kinh tế, phát triển bền vững và Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường phúc lợi và phát triển đối với phụ nữ, trẻ em./.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ trải qua 43 năm hình thành và phát triển, ASEAN ngày nay đã trở thành một thực thể chính trị-kinh tế gắn kết, một tổ chức khu vực thành công, phát triển năng động, có vai trò quan trọng ở khu vực và là đối tác không thể thiếu của các nước và các tổ chức quốc tế lớn trên thế giới.
Để hiện thực hóa mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, một cộng đồng hài hòa về chính trị, liên kết về kinh tế và có trách nhiệm về xã hội, trong nhiều năm qua, cùng với việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế, các quốc gia ASEAN còn đẩy mạnh hợp tác về văn hóa, xã hội nhằm xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN.
Đó là một Cộng đồng đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia, các dân tộc ASEAN; chia sẻ, đùm bọc và rộng mở, không ngừng thu hẹp khoảng cách và xây dựng bản sắc chung ASEAN; một cộng đồng trong đó lấy con người làm trung tâm, luôn hướng tới phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống và sự phát triển của con người; tăng cường phúc lợi và bảo trợ xã hội; bảo đảm công bằng xã hội và các quyền cơ bản của con người; bảo đảm tính bền vững và thân thiện với môi trường.
Thủ tướng nhấn mạnh mặc dù mới chính thức đi vào hoạt động trong thời gian gần đây nhưng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội đã có rất nhiều hoạt động tích cực, đóng góp cho tiến trình hình thành cộng đồng ASEAN.
Cộng đồng đã xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động; xây dựng lộ trình và xác định các giai đoạn ưu tiên để thực hiện các kế hoạch; xây dựng các chương trình và đề ra các giải pháp để giải quyết nhiều vấn đề trọng yếu thuộc phạm vi của cộng đồng, nhất là về y tế, giáo dục, môi trường và đối phó với thách thức toàn cầu như khủng hoảng tài chính-kinh tế, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, thúc đẩy quyền con người, phát triển nguồn nhân lực…
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng đánh giá cao các hoạt động cũng như những thành tựu mà Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN đã đạt được trong thời gian qua.
Để xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN ngày càng hiệu quả, theo Thủ tướng, các nước ASEAN cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực và tiến hành các biện pháp phù hợp để thực hiện các cam kết và các ưu tiên đã được xác định trong Kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN, trong đó tập trung nguồn lực thích đáng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm tính thực thi hiệu quả các thỏa thuận.
Các nước cần coi trọng việc tăng cường điều phối và phối hợp hành động giữa các cơ quan thuộc Trụ cột Văn hóa-Xã hội, nhất là vai trò điều phối của Hội đồng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội, đồng thời có giải pháp bảo đảm nguồn lực để thực hiện kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN theo đúng lộ trình.
Trước hết các nước phải xây dựng một cơ chế thích hợp nhằm huy động và quản lý hiệu quả các nguồn lực, từ cả các nước thành viên cũng như các đối tác của ASEAN, trong đó quan tâm hơn sự tham gia của khu vực tư nhân...
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, tại hội nghị lần này các vị bộ trưởng, các vị trưởng đoàn, các chuyên gia sẽ tập trung thảo luận thống nhất được nhiều nội dung và biện pháp cụ thể nhằm triển khai các mục tiêu trong năm 2010 và những năm tiếp theo về xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN; cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện hai văn kiện quan trọng để trình thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN 17 vào tháng 10/2010 sắp tới. Đó là Tuyên bố về phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế và Tuyên bố về thúc đẩy phúc lợi và phát triển cho phụ nữ và trẻ em.
Hội nghị Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN lần thứ 4 (ASCC 4) tập trung thảo luận việc đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tổng thể Cộng đồng văn hóa-Xã hội từ Hội nghị ASCC lần thứ 3 (tháng 4/2010); trao đổi chia sẻ việc thực hiện các lĩnh vực ưu tiên đã xác định trong kế hoạch tổng thể của ASCC trong năm 2010, bao gồm đối phó với thách thức toàn cầu; phát triển nguồn nhân lực cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững; tăng cường phúc lợi đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng bản sắc văn hóa ASEAN.
Đặc biệt, Hội nghị ASCC lần thứ 4 đã xem xét và thông qua hai dự thảo văn kiện là Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng cho phục hồi kinh tế, phát triển bền vững và Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường phúc lợi và phát triển đối với phụ nữ, trẻ em./.
Thiện Thuật (TTXVN/Vietnam+)