Gần 100 quan chức cấp cao từ 30 quốc gia, trong đó có 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tham gia hội nghị khu vực châu Á-Thái Bình Dương về gìn giữ hòa bình, khai mạc ngày 27/7 tại Jakarta, Indonesia.
Đây là diễn đàn thảo luận chung có tính tương tác cao, tạo cơ hội cho những phát biểu thẳng thắn, cởi mở nhằm củng cố những đóng góp của các nước châu Á-Thái Bình Dương trong các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong bối cảnh các hoạt động này đang chịu nhiều tác động và phải đối phó với những thách thức phức tạp, đa chiều.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi khẳng định duy trì hòa bình là một yếu tố thiết yếu trong việc thực hiện chính sách đối ngoại và ngoại giao đa phương của Indonesia. Indonesia sẽ tiếp tục gia tăng sự tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là sẽ khuyến khích sự tham gia của phụ nữ trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình,
Bộ trưởng cho biết Indonesia là một trong những quốc gia có đóng góp lớn cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Quốc đảo đã gửi 2.800 nhân viên đến các khu vực xung đột và dự kiến sẽ tăng lên đến 4.000 nhân viên trong thời gian tới.
Tổ chức sự kiện này, Indonesia khẳng định tiếp tục tăng cường sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Vai trò và đóng góp của Indonesia đối với sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc sẽ là một phương thức quan trọng để hỗ trợ việc nước này ứng cử là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2019-2020.
Thiếu tướng quân đội Indonesia Imam Edy Mulyono cho rằng: “Một số vấn đề thực tại hiện nay trên toàn cầu đang đòi hỏi chúng ta phải thu hẹp khoảng cách giữa sự kỳ vọng với các thách thức. Indonesia bắt đầu phát triển Trung tâm gìn giữ hòa bình quốc gia từ năm 2008 và bắt đầu đi vào hoạt động năm 2012. Hiện tại, chúng tôi đã đưa ra lộ trình tiếp theo cho sự đóng góp của Indonesia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với khoảng 4.000 binh sỹ trong vòng 2 năm tới, bởi chúng tôi cho rằng hoạt động gìn giữ hòa bình rất quan trọng cho an ninh và trật tự thế giới”.
Ông Marshal Saisak Kanpachai, Giám đốc trung tâm gìn giữ hòa bình Thái Lan cho biết: “Thái Lan đã có quá trình đóng góp lâu dài vào các nhiệm vụ giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc. Ngoài việc là thành viên của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tham gia hội nghị lần này chúng tôi muốn biết thêm thông tin về khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong việc tham gia các nhiệm vụ giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc.
Thái Lan cũng đang chuẩn bị để đóng góp nhiều binh sỹ hơn nữa vào các nhiệm vụ của Liên hợp quốc. Hiện tại, Thái Lan đã sẵn sàng cùng với các nước khác tham gia vào các nhiệm vụ Liên hợp quốc, chẳng hạn như ở Trung Phi, Mali”.
Với chủ đề "Tăng cường khả năng ứng phó và phản hồi của các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc", trong 2 ngày 27-28/7, các đại biểu tham dự hội nghị sẽ tập trung vào 4 phiên thảo luận: Gìn giữ và thực thi hòa bình- Nhiệm vụ và trách nhiệm pháp lý; Mở rộng và nâng cao hiệu quả của các hoạt động gìn giữ hòa bình đa quốc gia; Tăng cường năng lực và khả năng đáp ứng các hoạt động gìn giữ hòa bình; Nâng cao hiệu quả ứng phó của Liên hợp quốc để thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.
Kết quả của Hội nghị Khu vực châu Á-Thái Bình Dương về gìn giữ hòa bình tại Jakarta sẽ được trình bày tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới tại New York, bên lề khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 tới./.