Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã khai mạc ngày 11/6 tại thành phố Bologna, miền Bắc Italy.
Tham dự hội nghị kéo dài 2 ngày này ngoài các bộ trưởng môi trường của các nước G7 còn có các ủy viên của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu cùng bộ trưởng môi trường 4 nước Chile, Maldives, Ethiopia và Rwanda.
Hội nghị Boglona dự kiến sẽ tập trung vào những chủ đề quan trọng liên quan đến thách thức đối với môi trường toàn cầu, trong đó có việc thực hiện các mục tiêu được ấn định bởi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và Các mục tiêu Phát triển Bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.
[Những hệ quả của việc Tổng thống Trump rút khỏi Hiệp định Paris]
Lần đầu tiên, các Bộ trưởng Môi trường sẽ thảo luận tại một cuộc gặp của G7 các chủ đề liên quan giữa kinh tế và môi trường như cải cách thuế môi trường, các khoản trợ cấp gây hại môi trường, vai trò của các ngân hàng phát triển đa phương, tài chính xanh và bền vững.
Hội nghị cũng sẽ thảo luận về các vấn đề truyền thống quan trọng của G7 như "rác thải trên biển" và "tính hiệu quả của tài nguyên."
Về chủ đề "Tính hiệu quả của tài nguyên" - cốt lõi của nền kinh tế tuần hoàn - mục tiêu của hội nghị là đưa ra "Lộ trình Bologna," tập trung vào một số vấn đề quan trọng như các chỉ số về tính hiệu quả của tài nguyên, sự can dự và ý thức của công dân về chất thải từ thực phẩm, phân tích kinh tế về việc sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Ngoài ra, hội nghị cũng sẽ giải quyết các cam kết của G7 về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, do đó, vấn đề này cũng sẽ là một trong những nội dung bao trùm hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Môi trường Italy Gian Luca Galletti nhấn mạnh các nước G7 có vai trò và trách nhiệm quan trọng đối với dư luận của chính nhóm cũng như với các nước đang phát triển và với hành tinh. Vì vậy, cộng đồng quốc tế đang chờ đợi thông điệp của G7.
Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Koichi Yamamoto cho rằng các nước G7 phải có bước tiếp cận thống nhất, đồng thời tin tưởng rằng vẫn có thể thuyết phục Mỹ quay trở lại với Hiệp định Paris do Washington mới chỉ đưa ra thông báo về việc rút khỏi hiệp định này
G7 bao gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ./.