Ngày 22/8, Hội chợ Triển lãm quốc tế ngành thủy sản Việt Nam năm 2018 (Vietfish 2018) do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) tổ chức đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Vasep cho biết, thủy sản được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, mỗi năm đóng góp khoảng 4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Năm 2017, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của thị trường để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 8 tỷ đô la Mỹ (USD).
Riêng 6 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu thủy sản đã đạt 4 tỷ USD, tăng 10,5 % so vời cùng kỳ. Đây là con số cho phép hy vọng kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD mà Việt Nam sẽ đạt được trong tương lai không xa. Mục tiêu này là động lực cho tất cả mọi thành phần trong toàn chuỗi giá trị ngành thủy sản cùng phấn đấu.
[Xuất khẩu cá tra sang thị trường EU có dấu hiệu phục hồi]
Theo ông Ngô Văn Ích, trải qua 20 năm tổ chức, Triển lãm Vietfish đã khẳng định được tầm vóc và sức mạnh kết nối của mình thông qua sự tăng vọt về số lượng doanh nghiệp tham gia và số gian hàng đăng ký lẫn số lượng du khách tham quan triển lãm.
Vietfish giờ đây đã trở thành triển lãm thủy sản lớn hàng đầu châu Á, có tầm ảnh hưởng và mang thương hiệu riêng của ngành thủy sản.
Vietfish 2018 thu hút sự tham gia của 233 đơn vị (tăng 6,8% so với năm 2017) đến từ 14 quốc gia, vùng lãnh thổ với quy mô 374 gian hàng (tăng 3,6% số lượng gian hàng so với năm 2017).
Riêng Việt Nam có 153 đơn vị tham gia Vietfish 2018, tương đương 66%; trong đó, số lượng đơn vị triển lãm thủy sản và nuôi trồng và dịch vụ chiếm 55%, máy móc thiết bị và các nhóm khác (hóa chất, phụ gia, kho lạnh…) chiếm 45%.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định, ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng trung bình trên 10%/năm trong giai đoạn 2007-2017.
Thủy sản cũng là mặt hàng duy nhất trong nhóm hàng nông nghiệp nằm trong nhóm 6 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2017. Thủy sản Việt Nam cũng đang từng bước hoàn thiện các chuỗi sản phẩm được sản xuất khép kín, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và nghiêm ngặt của các thị trường nhập khẩu toàn cầu.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Tám, tới nay, ngành thủy sản Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế trong nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản để nâng cao hơn nữa giá trị xuất khẩu thông qua việc gia tăng tỷ trọng hàng chế biến có giá trị gia tăng, làm cho sản phẩm xuất khẩu ngày càng phong phú, đa dạng.
Nguồn phụ phẩm trong chế biến thủy sản cũng cần được tận dụng để tạo ra các sản phẩm có giá trị nhằm nâng cao giá trị hàng hóa, góp phần giảm giá thành sản phẩm, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh cho thủy sản của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hứa hẹn sẽ mở ra những triển vọng hợp tác, đầu tư quốc tế trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thúc đẩy ngành thủy sản Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.
Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia khác.
Do đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam phải liên tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh để có thể vượt qua thách thức, đón đầu các cơ hội mới, hướng tới mục tiêu đưa sản phẩm thủy sản Việt Nam trở thành thương hiệu được tin dùng và yêu thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Bên cạnh hoạt động triển lãm, giới thiệu sản phẩm, Ban tổ chức Vietfish 2018 cũng tổ chức hàng loạt các hội thảo liên quan đến thị trường, xu hướng cũng như các vấn đề nóng trong ngành thủy sản hiện nay.
Hội chợ Triển lãm Vietfish 2018 sẽ diễn ra đến hết ngày 24/8./.