Khai mạc Festival văn hóa tơ lụa Việt Nam-châu Á năm 2016

Với chủ đề “Đưa tơ lụa trở lại đời sống hiện đại,” Festival văn hóa tơ lụa Việt Nam-châu Á 2016 là điểm nhấn văn hóa quan trọng trong chuỗi sự kiện mừng kỷ niệm 41 năm giải phóng Hội An.
Khai mạc Festival văn hóa tơ lụa Việt Nam-châu Á năm 2016 ảnh 1Khách tham quan triển lãm tơ lụa Việt Nam. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ngày 28/3, Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam phối hợp với Làng lụa Hội An khai mạc Festival văn hóa tơ lụa Việt Nam-châu Á năm 2016.

Với chủ đề “Đưa tơ lụa trở lại đời sống hiện đại,” Festival văn hóa tơ lụa Việt Nam-châu Á 2016 là điểm nhấn văn hóa quan trọng trong chuỗi sự kiện mừng kỷ niệm 41 năm giải phóng thành phố Hội An nói riêng và hoạt động thu hút khách du lịch nói chung.

Đây cũng là lần đầu tiên một liên hoan văn hóa mang tầm quốc tế được tổ chức tại phố cổ Hội An với sự tham gia của các làng dệt tiêu biểu của Việt Nam và các nước sản xuất lụa nổi tiếng trong khu vực như Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Myanmar…

Festival văn hóa tơ lụa Việt Nam-châu Á 2016 gồm các hoạt động: Phục dựng lịch sử con đường tơ lụa trên biển; Triển lãm sản phẩm tơ lụa của các nước sản xuất tơ lụa trong khu vực; Trình diễn kỹ thuật dệt truyền thống; Phiên chợ ẩm thực Hội An, Hội thảo quốc tế với chủ đề “Tơ lụa trong đời sống hiện đại;” Trình diễn thời trang lụa phương Đông.

Trong khuôn khổ của Festival còn diễn ra các hoạt động tái hiện nghi thức truyền thống trong Lễ hội dâng hương Bà Chúa tơ tằm xứ Quảng (nguyên là Hiếu Chiêu Hoàng Hậu Đoàn Quý Phi - người góp công đưa tơ lụa Việt Nam đi khắp thế giới thời Chúa Nguyễn thế kỷ 17).

Festival cũng giới thiệu và trình diễn kỹ thuật dệt truyền thống của các làng nghề Tân Châu với sản phẩm Mỹ Á một thời nổi tiếng, giới thiệu kỹ thuật dệt hoa văn cổ của người Chăm, kỹ thuật dệt thổ cẩm dân tộc Cơ-tu, trưng bày sản phẩm hiện đại của 7 làng dệt tiêu biểu Việt Nam như Nha Xá, Vạn Phúc, Mã Châu, Tân Châu.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An nhấn mạnh: Festival văn hóa tơ lụa Việt Nam-châu Á năm sẽ góp phần tích cực vào việc thực hiện chiến lược bảo tồn và phát triển nghề, văn hóa tơ lụa truyền thống, là dấu mốc quan trọng góp phần làm phong phú hơn cho sản phẩm du lịch Hội An và gia tăng tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa các làng nghề truyền thống của Việt Nam nói chung và của Hội An nói riêng với quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục