Khai mạc Festival Đua ghe Ngo Đồng bằng sông Cửu Long

Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất-Sóc Trăng 2013 đã khai mạc tối 15/11.

Tối 15/11, Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất-Sóc Trăng 2013 đã khai mạc tại sân khấu nổi khu vực khán đài trường Đua ghe Ngo trên dòng sông Maspero, thành phố Sóc Trăng.

Dự lễ khai mạc có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh và nhiều vị lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo Đảng và nhà nước, lãnh đạo các Bộ, Ban ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh thành trong khu vực và hàng ngàn người dân từ các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Phát biểu tại lễ khai mạc Festival, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh việc Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho tỉnh Sóc Trăng tổ chức Festival đua ghe Ngo năm nay là điều kiện thuận lợi để tỉnh giới thiệu, quảng bá, mời gọi đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, phát triển văn hóa, thể thao và du lịch cho địa phương theo hướng liên kết vùng.

Sóc Trăng cần tiếp tục cùng với các tỉnh, thành trong khu vực tiếp tục nâng cao chất lượng sự kiện văn hoá giàu truyền thống này theo hướng xã hội hóa ngày càng cao, tạo điểm đến hấp dẫn, thân thiện cho các nhà đầu tư và du khách trong và ngoài nước.

Festival cần tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh mang tính đặc thù của địa phương gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng nói riêng, của Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Bộ nói chung, góp phần cùng cả nước xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngay sau phần khai mạc, chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp hoành tráng với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc đậm nét dân tộc Khmer, và truyền thống đoàn kết của nhân dân các dân tộc trên vùng đất Nam Bộ đã được thể hiện sinh động.

Với nhiều hoạt động phong phú, độc đáo trong chuỗi sự kiện Festival như hội chợ thương mại-triển lãm, liên hoan ẩm thực ba dân tộc Kinh-Khmer-Hoa; Hội thao dân tộc-trò chơi dân gian; triển lãm ảnh Sóc Trăng xưa; ca múa nhạc tổng hợp; Liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ; Lễ cúng trăng-Óc om bóc; hội thi thả đèn nước; hội thi trang phục ba dân tộc Kinh-Khmer-Hoa.

Điểm nhấn đặc biệt quan trọng và hấp dẫn nhất trong Festival là giải đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ với 62 đội ghe nam và nữ, tranh tài trong hai ngày 16 và 17/11 (nhằm ngày 14 và 15/10 âm lịch) ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục