Khai mạc diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội năm 2024

Đại tướng Phan Văn Giang đề nghị để cuộc diễn tập tuyệt đối an toàn về mọi mặt, Ban chỉ đạo, cơ quan Ban chỉ đạo, đạo diễn, tổ công tác của các ban, bộ, ngành TW tổ chức điều hành diễn tập chặt chẽ...

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Sáng 29/9, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội tổ chức khai mạc diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội năm 2024.

Dự, chỉ đạo diễn tập có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an.

Cùng dự, có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành; lãnh đạo thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phát biểu khai mạc, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh diễn tập nói chung, diễn tập khu vực phòng thủ nói riêng là hình thức huấn luyện cao nhất nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy điều hành, khả năng tham mưu, hiệp đồng tác chiến của các cấp, các lực lượng tham gia diễn tập và trình độ, sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang.

Trên cơ sở đó, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh quyết tâm, kế hoạch tác chiến sát với thực tiễn, đồng thời làm cơ sở nghiên cứu, phát triển hệ thống quân sự phù hợp với đối tượng tác chiến, với cách đánh, tổ chức biên chế và yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội, của lực lượng vũ trang trong thời kỳ mới.

Khẳng định thành phố Hà Nội nằm trong khu vực phòng thủ chung của cả nước, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, Đại tướng Phan Văn Giang đề nghị để cuộc diễn tập tuyệt đối an toàn về mọi mặt, Ban chỉ đạo, cơ quan Ban chỉ đạo, đạo diễn, tổ công tác của các ban, bộ, ngành Trung ương tổ chức điều hành diễn tập chặt chẽ, đạt mục đích, yêu cầu đề ra, theo dõi, chỉ đạo các khung tập thực hiện đúng, đủ nội dung theo kế hoạch, kịp thời rút kinh nghiệm để chỉ đạo các cuộc diễn tập những năm tiếp theo.

Thay mặt Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ban tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ thành phố, Bí thư Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài khẳng định với nhận thức sâu sắc về cuộc diễn tập đặc biệt, có quy mô lớn, phạm vi rộng, được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện, thành phố xác định việc tổ chức thực hiện diễn tập thành công sẽ nâng cao nhận thức, trách nhiệm về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô, nhất là nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền, vai trò tham mưu của các sở, ban, ngành, đoàn thể, cũng như trình độ tổ chức, chỉ huy, hiệp đồng tác chiến của lực lượng vũ trang.

ttxvn_ba Bui thi Minh Hoai -khu vuc phong thu.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Từ đó, tiếp tục bổ sung, điều chỉnh, xây dựng, hoàn thiện các phương án tác chiến, thường xuyên nắm chắc, đánh giá, dự báo chính xác tình hình, chủ động xử lý các tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Cuộc diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội năm 2024 có quy mô, phạm vi lớn nhất từ trước đến nay. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã huy động số lượng lớn lực lượng, phương tiện của các đơn vị đứng chân trên địa bàn (16 đầu mối đơn vị: Quân chủng Phòng không không quân; Quân đoàn 12; Bộ Tư lệnh 86; Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng; Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển; các binh chủng; Học viện; nhà trường; Bệnh viện Trung ương Quân đội 108...) cùng tham gia diễn tập, tham gia thực binh bắn chiến đấu hiệp đồng quân, binh chủng, với nhiều hình thức tác chiến, sử dụng nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại do chính Việt Nam sản xuất...

Cuộc diễn tập tập trung vào 2 nội chính gồm diễn tập phòng thủ dân sự và diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội. Trong đó, diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền; vai trò tham mưu của cơ quan quân sự, công an và các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội khi chuyển thành phố vào các trạng thái về quốc phòng; nâng cao khả năng phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng trong tác chiến phòng thủ; tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ thành phố.

Thông qua diễn tập tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các phương án tác chiến sát với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong diễn tập phòng thủ dân sự, các cơ quan, đơn vị tập trung vào xử lý các vấn đề, tình huống theo giả định.

Cụ thể: Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp quận thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” trong ứng phó cháy, nổ; Ban chỉ huy phòng thủ dân sự thành phố Hà Nội triển khai các biện pháp, cơ động lực lượng, phương tiện ứng cứu thảm họa cháy, nổ, sập đổ công trình, hóa chất độc khi địch tiến công hỏa lực; triển khai ứng cứu thảm họa bằng đường không; bệnh viện dã chiến của thành phố tổ chức cứu chữa nạn nhân; khắc phục hậu quả, ổn định đời sống của nhân dân nơi xảy ra thảm họa. Trong đó, nội dung chính là thực hành ứng cứu thảm họa cháy, nổ, hóa chất độc, địch tiến công hỏa lực tại khu công nghiệp.

Cuộc diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội chia làm 4 giai đoạn: giai đoạn 1 tập trung vào chuyển lực lượng vũ trang từ trạng thái sẵn sàng chiến đấu thường xuyên lên trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao; chuyển địa phương vào tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; chuyển lực lượng vũ trang từ trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao lên trạng thái sẵn sàng chiến đấu toàn bộ; chuyển địa phương sang trạng thái thời chiến. Giai đoạn 2, tổ chức chuẩn bị tác chiến phòng thủ với các vấn đề: điều chỉnh quyết tâm; giao nhiệm vụ, tổ chức hiệp đồng, chỉ thị bảo đảm; phê duyệt quyết tâm, kế hoạch của cơ quan, đơn vị. Giai đoạn 3, thực hành tác chiến phòng thủ với các vấn đề xử trí tình huống tác chiến trên sa bàn gồm đánh địch tiến công hỏa lực; tiến công địch đổ bộ đường không. Giai đoạn 4, thực binh bắn chiến đấu.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục