Khai mạc Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam lần 3

Diễn đàn tiếp tục đóng góp cho xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025.
Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Sáng 29/9 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ 3 năm 2020 (VRDF 2020) với chủ đề: “Việt Nam: Hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững và bao trùm trong bối cảnh đại dịch COVID-19.”

Diễn đàn có 2 phiên thảo luận về các chủ đề: "COVID-19 và hành động của Việt Nam nhằm nắm bắt cơ hội, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu" và "Chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu theo hướng bao trùm, bền vững."

Mục tiêu của diễn đàn nhằm thảo luận những vấn đề cải cách và phát triển của Việt Nam trong bối cảnh mới; qua đó phản ánh những vấn đề lớn mà các doanh nghiệp và người dân quan tâm; đặc biệt trong bối cảnh nhiều thách thức và cơ hội mới đang xuất hiện.

Diễn đàn tiếp tục đóng góp cho xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh giai đoạn 2021-2025, Việt Nam sẽ tập trung các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững trong bối cảnh chịu tác động của dịch COVID-19. Việt Nam phấn đấu tới năm 2030 sẽ trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao trên toàn cầu.

[WB luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu]

Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định trong công cuộc khống chế dịch COVID-19. Là quốc gia có mức thu nhập trung bình, GDP tăng trưởng cao và liên tục nhưng tác động của COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề tới toàn nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, công nhân mất việc làm, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Thiệt hại kinh tế của Việt Nam còn có nguyên nhân do sự suy giảm của thương mại toàn cầu khi là 1 nền kinh tế mở và tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và trao đổi thương mại với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Trong bối cảnh phải thực hiện mục tiêu kép là vừa khống chế có hiệu quả dịch COVID-19 vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, từ đầu năm tới nay, Việt Nam đã đạt thặng dư thương mại là 12 tỷ USD, GDP vẫn đạt mức tăng trưởng dương và thu hút được 20 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trước những vấn đề bất lợi còn tiềm ẩn như căng thẳng thương mại giữa các đối tác lớn trên toàn cầu và những hạn chế nội tại của nền kinh tế khiến tốc độ tăng trưởng giảm và bị phụ thuộc nhiều vào vốn, lao động giá rẻ….

Bộ trưởng Chí Dũng nhấn mạnh Việt Nam rất cần những tham vấn của giới khoa học, các cơ quan bộ, ngành, các đối tác phát triển, và các tổ chức quốc tế… để góp ý và đề xuất chính sách với Chính phủ Việt Nam nhằm có sự điều chỉnh hoặc ra những quyết sách đảm bảo cho sự phục hồi sớm, các cân đối vĩ mô theo hướng tăng trưởng bền vững và bao trùm.

Đại diện Ngân hàng thế giới, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nhận định diễn đàn là dịp để đánh giá những bước tiến của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thế giới thay đổi, Việt Nam cũng đang thay đổi. 

Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng, nhưng còn phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Bà Carolyn cũng bày tỏ sự quan ngại về những ảnh hưởng và tác động tiêu cực của biến khí hậu hậu, điều kiện thời tiết bất thường, thiên tai địch họa…. đang là những yếu tố bất lợi đối với nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam. 

Trên cơ sở những thành công đã đạt được trong quá trình khống chế dịch COVID-19, Việt Nam cần tận dụng cơ hội, thu hút nhiều hơn các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tranh thủ tiếp thu các thành tựu khoa học công nghệ; dành sự quan tâm thỏa đáng tới y tế, giáo dục và bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, cần xác định rõ những mục tiêu ưu tiên; thay đổi cách làm việc để tìm ra những giá trị mới trên tinh thần đổi mới sáng tạo nhằm định hình và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng khả năng chống chịu, thích nghi của nền kinh tế trong bối cảnh mới. 

Phiên thảo luận đầu tiên của diễn đàn sẽ tập trung làm rõ 1 số nội dung như tổng quan về các xu hướng lớn trên toàn cầu trong thương mại và mạng sản xuất toàn cầu; tái cơ cấu và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu gồm Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam; Nắm bắt cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu: Hành động của Việt Nam nhằm tăng trưởng bao trùm, thu hút FDI có chất lượng vào Việt Nam và phát triển khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân; Vượt qua thách thức: Hành động của doanh nghiệp nhằm phục hồi kiên cường và bền vững…

Phiên thảo luận thứ hai sẽ bàn tới nội dung gồm Chuyển đổi số mang tính bao trùm: Cơ hội và thách thức; Hành động của Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển đổi số với vai trò động lực cho phát triển bao trùm và bền vững; Hành động của khu vực doanh nghiệp: Mang số hóa đến cho tất cả mọi người; Bảo đảm tính bao trùm của chuyển đổi số./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục