Khai mạc Diễn đàn Kinh tế Davos mùa Hè năm 2010

Diễn đàn Davos mùa Hè năm nay tại Trung Quốc thảo luận về các biện pháp duy trì, phát triển đà tăng trưởng kinh tế sau khủng hoảng.
Hội nghị Thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), còn gọi là Diễn đàn Davos mùa Hè đã khai mạc chiều 13/9 tại thành phố cảng Thiên Tân ở miền Bắc Trung Quốc.

Hội nghị năm nay thu hút sự tham gia của khoảng 1.500 quan chức chính phủ và doanh nhân tới từ gần 90 nước và vùng lãnh thổ, nhằm thảo luận các biện pháp duy trì và phát triển đà tăng trưởng kinh tế sau thời kỳ khủng hoảng.

Hội nghị sẽ kết thúc ngày 15/9.

Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua vẫn chưa được "triệt tận gốc" và kinh tế thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ mang tính hệ thống và cơ cấu.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới những vấn đề lớn mà Trung Quốc - "một mắt xích quan trọng" trong sự phục hồi kinh tế toàn cầu - đang gặp phải, trong đó có kết cấu kinh tế chưa hợp lý, khả năng đổi mới công nghệ còn thấp, nhu cầu về tài nguyên ngày một tăng cao, sự phát triển quá chênh lệch giữa khu vực thành thị và nông thôn hay thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa phát triển kinh tế và xã hội.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao nước này Thôi Thiên Khải cho rằng  việc có tới 6 quốc gia châu Á là thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) là bước tiến lịch sử đối với các nền kinh tế đang phát triển.

Xu thế chuyển trọng tâm phát triển của nền kinh tế thế giới sang châu Á vẫn tiếp diễn và các nền kinh tế đang phát triển sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Ông Thôi Thiên Khải cho rằng trong những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến sự vươn lên của một nhóm nước đang phát triển, trong đó không chỉ có Trung Quốc, mà còn có một số quốc gia khác như Indonesia, Ấn Độ và Brazil.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ các nước đang phát triển đóng vai trò ngày càng lớn trong hợp tác khu vực. Đây là sự phát triển mang tính lịch sử, cân bằng và hợp lý.

Ông cho rằng các định chế tài chính quốc tế cần một số cải cách để nâng cao hiệu quả trong việc đại diện cho lợi ích của các nước đang phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục