Khai mạc Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” 2022

Theo Chủ tịch UBND Hà Giang, Vùng Việt Bắc có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực, cả nước, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa lâu đời, bản sắc, nơi được biết tới là chiến khu cách mạng.
Khai mạc Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” 2022 ảnh 1Chương trình nghệ thuật đặc sắc mang chủ đề “Miền di sản Việt Bắc”-2022. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN)

Nhằm thúc đẩy sự hợp tác liên kết du lịch giữa 6 tỉnh Việt Bắc, đồng thời kích cầu du lịch sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, góp phần đưa hoạt động du lịch phục hồi và ổn định trở lại, tối 26/8, tại Quảng trường 26/3 thành phố Hà Giang, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tổ chức khai mạc chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” - 2022.

Tham dự buổi lễ có ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang; lãnh đạo các cục, vụ, viện thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 6 tỉnh Việt Bắc: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang; lãnh đạo các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang của tỉnh; các doanh nghiệp lữ hành đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội; đông đảo nhân dân các dân tộc trên địa bàn thành phố Hà Giang và du khách thập phương.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang cho biết Vùng Việt Bắc có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực và cả nước, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa lâu đời và bản sắc, nơi được biết tới là chiến khu cách mạng, thủ đô gió ngàn hào hùng lịch sử.

Được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, các tổ chức, doanh nghiệp và sự nỗ lực của địa phương, diện mạo phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh vùng Việt Bắc đã có nhiều khởi sắc và phát triển bền vững, cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, an ninh quốc phòng được tăng cường, tạo điều kiện thu hút nhiều dự án đầu tư đến với vùng; trong đó lĩnh vực du lịch dịch vụ ngày càng khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương, trở thành trọng điểm của khu vực với hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù, tiêu biểu như Khu Du lịch quốc gia Mẫu Sơn, du lịch biên mậu Lạng Sơn; Khu Di tích quốc gia Pắc Pó, thác Bản Giốc, Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng; hồ Ba Bể (Bắc Kạn); hồ Núi Cốc, ATK Định Hóa (Thái Nguyên); Di tích lịch sử đặc biệt Tân Trào, suối khoáng Mỹ Lâm (Tuyên Quang); Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì (Hà Giang)…

Nhằm tiếp tục phát huy lợi thế vị trí chiến lược quan trọng của vùng Việt Bắc có trong phát triển du lịch, khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh, tài nguyên du lịch, hình thành nên hệ thống sản phẩm dịch vụ du lịch đặc thù, hấp dẫn, có thương hiệu trong mối liên kết vùng thu hút khách du lịch, phù hợp với tầm nhìn, giai đoạn phát triển của du lịch Việt Nam và khu vực Trung du miền núi Bắc bộ, Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” do các tỉnh Việt Bắc khởi sướng, đến nay đã trải qua 13 năm luân phiên tổ chức giữa các tỉnh trong nhóm hợp tác.

[Xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch liên kết 6 tỉnh Việt Bắc]

Chương trình trở thành sự kiện thường niên, là sản phẩm du lịch ngày càng khẳng định thương hiệu, có chuyển biến tích cực về hình thức tổ chức, góp phần tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch liên vùng, thúc đẩy khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh về du lịch các địa phương.

Chương trình diễn ra trong ba ngày từ ngày 26-28/8 tại thành phố Hà Giang, là hoạt động chính thức triển khai các hoạt động cho năm hợp tác với chuỗi các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh Việt Bắc trong năm 2022, bao gồm các hoạt động khảo sát xây dựng sản phẩm liên kết vùng, trưng bày, trình diễn, triển lãm giới thiệu hình ảnh mảnh đất con người, văn hóa điểm đến mỗi địa phương, nhằm thực hiện hiệu quả một bước trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa, di sản, tạo thành những sản phẩm du lịch có tính liên vùng, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp lữ hành, du khách đến với vùng Việt Bắc.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Ủy ban Nhân dân 6 tỉnh sẽ cùng nhau đánh giá lại kết quả thực hiện chương trình hợp tác từ năm 2008 đến nay để đề xuất các hình thức hợp tác, liên kết, đổi mới hình thức tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả, phù hợp với bối cảnh tình hình trong khai thác tiềm năng thế mạnh du lịch vùng Việt Bắc.

Du lịch Việt Bắc đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ để trở thành điểm đến và là cầu nối quan trọng trong liên kết vùng, khu vực và quốc tế. Với mục tiêu xây dựng và định vị hình ảnh du lịch vùng Việt Bắc “thân thiện, bản sắc, hấp dẫn và an toàn” phù hợp với yêu cầu, bối cảnh tình hình mới.

Du lịch là ngành kinh tế quan trọng của vùng Việt Bắc, góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cộng đồng địa phương, bảo vệ môi trường tự nhiên sinh thái và các giá trị văn hóa. Hy vọng rằng cùng với sự quan tâm giúp đỡ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ban, ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân 6 tỉnh trong khu vực, sẽ tạo động lực mạnh mẽ đưa du lịch Việt Bắc phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 08-NQ/TW đã đề ra.

Tại Lễ khai mạc, chương trình nghệ thuật đặc sắc mang chủ đề “Miền di sản Việt Bắc”đã diễn ra, quy tụ hàng trăm diễn viên đến từ Trung ương và Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang. Chương trình được dàn dựng công phu theo hướng tái hiện sinh động văn hóa sinh hoạt của nhân dân 6 tỉnh Việt Bắc. Với nhiều tiết mục ca, múa, nhạc ấn tượng, hấp dẫn, chương trình giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa, cảnh sắc, thiên nhiên, con người, quê hương Việt Bắc, tạo nên bức tranh sinh động, đa sắc màu.

Cũng tại chương trình nghệ thuật này, một chương trình đặc sắc là màn kết chương trình với tên gọi: Lửa cháy lên, bản đường xa như nối lại. Sau bài hát Hội Cầu lửa của cố nhạc sỹ Đào Thế Y, là màn tái hiện Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn, huyện Quang Bình (Hà Giang). Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2013. Việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa trong Lễ hội nhảy lửa góp phần làm đa dạng thêm giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng Việt Bắc trong ngày hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục